Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 13: CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA ĐỨC GIÊSU

Bài 13: CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA ĐỨC GIÊSU

(x. SGLC từ 0512 đến 0560).

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Kinh Tin Kính chỉ nói đến những mầu nhiệm, liên quan đến đời sống Chúa Kitô về nhập thể (thụ thai, giáng sinh) và vượt qua (khổ nạn, thập giá, chết, mai táng… sống lại, lên trời). Không nói gì rõ ràng về những mầu nhiệm trong đời ẩn dật và công khai của Chúa, Nhưng những tín điều liên quan đến nhập thể và vượt qua của Đức Giêsu lại soi sáng toàn bộ cuộc sống trần thế của Người. Tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và dạy, từ khởi đầu cho đến ngày được đưa về trời cần phải được nhìn dưới ánh sáng của những mầu nhiệm giáng sinh và vượt qua.

 

I. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm.

Nhiều điều người ta tò mò muốn biết về Đức Giêsu thì Tin Mừng không nói. Hầu như cuộc sống ở Nazareth chẳng được nói đến, và ngay cả phần lớn cuộc sống công khai cũng không được kể lại. Bởi vì những gì được viết lại trong Tin Mừng chỉ là “để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Tin Mừng được viết ra do những người có niềm tin đầu tiên vào Đức Giêsu. Họ muốn làm cho những người khác nhận ra những dấu hiệu của mầu nhiệm. Qua những cử chỉ của Đức Giêsu, dấu lạ và lời nói của Người, Người đã tỏ ra rằng “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để mặc khải Chúa Cha. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để cứu chuộc con người. Và hiện nay Ngài hằng “đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24).

II. Đời thơ ấu – ẩn dật.

A. Thơ ấu.

  • 1. Giáng sinh:

Là biến cố vô cùng trọng đại nên Thiên Chúa sửa soạn rất kỹ. Ngài đã qui hướng những nghi thức, hy lễ, hình ảnh và biểu trưng của Giao Ước cũ về Chúa Kitô: loan báo qua các ngôn sứ và khơi dậy nơi các dân ngoại niềm mong đợi nào đó. Sau cùng “vị ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76) được sai đến trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chính ông sẽ chỉ cho mọi người thấy “Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Khi cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi sống động Đấng Cứu Thế. Trong khi thông dự, vào sự chuẩn bị lâu dài cho lần đến đầu tiên của Đấng Cứu Thế, người tín hữu cũng sống ước vọng nóng bỏng hướng tới lần ngự đến thứ hai của Người. Đức Giêsu sinh hạ khiêm tốn trong máng chiên lừa, trong một gia đình nghèo và những mục đồng đơn sơ là những chứng nhân đầu tiên của biến cố nầy. Chính trong cảnh nghèo hèn nầy, vinh quang trời cao đã tỏ hiện. Hội Thánh không ngừng ca tụng vinh quang của đêm nầy:

Hôm nay Trinh Nữ sinh hạ Đấng bất diệt Và trái đất dâng một hang động cho Đấng không thể với tới. Thiên Thần và mục đồng ca tụng Người Các đạo sĩ theo sao lạ tiến tới Ngài đã sinh ra vì chúng tôi Thưa Hài Nhi, Thiên Chúa vĩnh cửu.

Trong tương quan với Thiên Chúa, trở nên trẻ thơ là điều kiện để vào Nước Trời. Phải hạ mình xuống, nên bé nhỏ, nhưng phải sinh ra từ trời cao, từ Thiên Chúa, để trở nên con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hoàn thành nơi chúng ta khi Chúa Kitô thành hình nơi chúng ta, Giáng Sinh là mầu nhiệm trao đổi lạ lùng. Trong đời thơ ấu của Chúa có những biến cố đáng ghi nhớ:

a) Cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Biến cố nầy là một tuyên cáo việc Ngài sáp nhập vào dòng dõi Abraham, vào dân của Giao Ước và cũng là dấu chỉ phục tùng lề luật.

b) Những nhà thông thái đến kính viếng. Là đại biểu của dân ngoại, họ là hoa quả đầu mùa của các dân tộc, họ đón nhận Tin Mừng qua việc nhập thể. Họ đã tìm được nơi Ít-ra-en vị vua của mọi dân tộc.

c) Dâng Chúa vào đền thờ. Chứng tỏ Ngài là con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Simêon và Anna tượng trưng cho niềm mong đợi Ít-ra-en đã đến gặp gỡ Chúa. Ngài là ánh sáng muôn dân và vinh quang của Ít-ra-en. Qua Phụng vụ lễ Nến, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa Kitô và thắp sáng niềm tin trong ánh sáng Chúa Kitô.

d) Việc chạy trốn sang Ai Cập và việc tàn sát trẻ thơ của Hêrôđê. Không phải Người bất lực không bảo vệ được mình và các em nhỏ. Việc nầy tỏ rõ cuộc đời Ngài chỉ toàn nhận lấy bách hại và hất hủi. Một sự tranh đấu không ngừng giữa bóng tối và ánh sáng.

  • 2. Đời ẩn dật

Phần lớn cuộc sống, Đức Giêsu đã chia sẻ điều kiện sống của đa số nhân loại: một cuộc đời bình thường không dáng vẻ rầm rộ bên ngoài, cuộc sống lao động bằng chân tay, một cuộc sống theo tôn giáo Do Thái tùng phục lề luật Thiên Chúa… Ngài hằng vâng phục cha mẹ Ngài, thi hành tuyệt hảo giới điều thứ tư. Đó là hình ảnh trần thế về lòng tùng phục hiếu thảo với Cha trên trời của Ngài. Sự vâng phục nầy là nền tảng cho việc vâng phục ý Cha ở Vườn Cây Dầu. Hằng ngày cộng tác lo việc cho cha mẹ chính là sửa soạn lo việc Cha trên trời, khởi đầu phục hồi những gì do sự bất phục của Ađam và làm tiêu hủy. Việc cậu bé Giêsu lúc 12 tuổi bị lạc và tìm lại được trong đền thờ đã làm vỡ tan sự im lặng dầy đặc trong những năm ẩn dật. Ngài muốn cho ta thoáng thấy mầu nhiệm việc dâng hiến trọn vẹn cho một sứ mạng phát sinh từ mối quan hệ thần linh của Ngài: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

III. Đời công khai.

B. Khai mạc.

  1. Phép rửa:

Đức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng phép rửa của Gioan. Đức Giêsu cùng đến với nhiều người. Gioan ngập ngừng, nhưng Đức Giêsu yêu cầu Gioan cứ làm như lệ thường. Vì đây là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọng đại: Thánh Thần như hình Chim bồ câu đậu xuống trên Đức Giêsu, đồng thời có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Với phép rửa, Đức Giêsu chấp nhận và khai mạc sứ mạng của Người tôi tớ đau khổ. Ngài để cho mình bị kể vào số tội nhân. Ngài đã là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Tiếng của Cha trả lời cho sự chấp nhận nầy và Thánh Thần ngự xuống. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, cửa trời mở ra và nước được thánh hóa, báo trước cuộc sáng tạo mới sắp bắt đầu.

  1. Chúa chịu cám dỗ.

Sau phép rửa, Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày. Kết thúc những ngày đó, Xa-tan đến cám dỗ Ngài ba lần. Biến cố nầy có một ý nghĩa cứu độ. Đức Giêsu là Ađam mới luôn trung thành trong khi Ađam cũ sa ngã. Đức Giêsu hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của Ít-ra-en trái với những người khiêu khích Thiên Chúa suốt 40 năm trong sa mạc. Đức Giêsu là Đấng chiến thắng ma quỷ trong sa mạc. Chiến thắng báo trước chiến thắng cuộc tử nạn.

  • 3. Rao giảng Nước Thiên Chúa.

Sau khi Gioan bị bắt, Đức Giêsu trở về Galilêa, Ngài công bố Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến bằng những lời nầy: “Thời kÿ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Để chu toàn ý Chúa Cha. Chúa Kitô đã khai mạc Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Cha tập họp con người xung quanh. Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Cuộc tập họp nầy chính là cộng đoàn Hội Thánh mà Chúa Kitô là trung tâm. Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Trời. Muốn gia nhập phải tuân giữ lời Đức Giêsu dạy. Tuy thế Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho: kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi:

  • “… để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. (Lc 4,18).
  • “… Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái… nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”. (Mt 11,25).
  • “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mc 2,17).

Tất cả đều phải tuân theo một điều kiện: Sám hối, nếu không, không thể gia nhập Nước Trời.

  1. Dấu chỉ Nước Trời.

Đức Giêsu kèm theo lời giảng của Ngài nhiều dấu lạ điềm thiêng và những dấu chỉ (x. Cv 2,22) để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài, làm chứng Ngài là Đấng Cứu Độ đã được báo trước, và cũng chứng tỏ Ngài được Chúa Cha sai đến. Những dấu chỉ đó mời gọi con người tin vào Ngài, tăng cường niềm tin vào Đấng thi hành công việc của Cha. Khi thi hành những dấu lạ để giải phóng con người khỏi những đói khát, bất công, bệnh tật, chết chóc, Đức Giêsu đã thực hiện những dấu chỉ thời cứu độ. Nhưng mục đích của Ngài không phải đến để tiêu diệt sự dữ trần gian mà là giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi.

  1. Xây dựng Hội Thánh.

Trong việc rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và cho tham dự vào sứ mạng của Người: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2). Trong số đó có ông Phêrô giữ địa vị cao nhất: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Ngài còn trao cho ông Chìa Khóa Nước Trời: “Thầy sẽ trao cho anh Chìa Khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Quyền Chìa Khóa chỉ uy quyền để cai trị Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh.

  1. Biến hình

Khung cảnh bề ngoài của việc biến hình nói lên tầm quan trọng của biến cố: có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện, có các nhân vật đại diện Cựu và Tân Ước, và toàn thể thân xác Chúa Kitô tỏa sáng lạ lùng. Việc biến hình lại đi trước cuộc tử nạn, điều đó cho biết “để đi vào vinh quang” (Lc 24,26) Ngài phải qua thập giá tử nạn ở Giêrusalem. Việc biến hình cho chúng ta hưởng trước vinh quang của Chúa Kitô. Đấng sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,12). Nhưng cũng nhắc chúng ta rằng: chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).

IV. Kết thúc: lên Giêrusalem.

“Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Hướng về Giêrusalem Người nói: “một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13,33). Ngài tránh né tước vị vua trần thế mà người ta muốn trao tặng, nhưng Ngài lại long trọng bước vào thành của “Đa-vít tổ tiên Người” (Lc 1,37) và để cho người ta tung hô như là con vua Đa-vít, hoặc là “vua vinh quang” (Tv 24,7) cưởi lừa (Dcr 9,9) tiến vào thành của mình. Tiếng hô vang của dân chúng: “chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” đã được Hội Thánh dùng lại trong Phụng Vụ Thánh Thể mở đầu việc tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Chúa. Việc tiến vào Giêrusalem của Đức Giêsu tỏ rõ việc thành tựu vương quốc mà vị Vua Cứu Thế sắp hoàn tất bằng cuộc Vượt Qua tử nạn và phục sinh. Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá của Hội Thánh khởi đầu một Tuần Thánh vĩ đại; giúp nhìn lại biến cố long trọng xưa kia và đồng thời cũng hướng về ngày vinh quang hiển thắng sẽ đến trong thời gian.

V. Lắng nghe tiếng gọi.

  • 1. Mỗi năm cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi Đấng Cứu Thế. Sống lại tâm tình của Dân Chúa chờ mong Chúa đến lần thứ nhất, người tín hữu hâm nóng lại ước vọng nóng bỏng hướng đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Người.
  • 2. Sự vâng phục cha mẹ trần thế của Đức Giêsu hoàn tất trọn hảo giới luật thứ tư. Nó là hình ảnh về sự vâng phục đối với Cha trên trời của Ngài và là tấm gương cho chúng ta.
  • 3. Mỗi năm, bằng 40 ngày chay tịnh. Hội Thánh sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. Đây là dịp thuận lợi để người tín hữu canh tân cuộc sống đức tin của mình.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC