Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 7: THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

Bài 7: THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

(x. SGLC. từ 0232 đến 0260)

“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô. Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (Lời chào đầu lễ). (x.2 Co 13,13). “Cùng với Con Một Cha và Chúa Thánh Thần. Cha là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể”. (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).

Đời Kitô hữu được bắt đầu với bí tích Thánh tẩy. Trước khi lãnh nhận bí tích, người tín hữu được mời gọi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; sau đó họ chịu phép Rửa “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Bí tích Thánh tẩy là nền tảng cho đức tin và là cánh cửa khai mở đời sống Kitô hữu. Cũng thế, mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần là nền tảng, suối nguồn của mọi mầu nhiệm Kitô giáo và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy.

 

I. Thiên Chúa tỏ mình qua Đức Giêsu

“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô, ta mới biết được Thiên Chúa trong ánh sáng chan hòa và huyền nhiệm khôn dò của Người. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa DUY NHẤT. Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu tiếp tục rao giảng niềm tin độc thần đã cắm rễ sâu trong Cựu ước. Khi được hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 28-30). Đồng thời, Đức Giêsu lại tỏ ra cho ta biết Thiên Chúa là CHA, không phải theo nghĩa thường gặp trong nhiều tôn giáo khi khẩn cầu Thiên Chúa như một người Cha, nhưng theo nghĩa sâu xa đặc biệt: Cha chỉ là Cha trong tương quan với Người Con duy nhất và ngược lại, Con chỉ là Con trong tương quan với Cha. Vì thế, Đức Giêsu nói “Không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Ngoài ra, trước khi bước vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu loan báo với các môn đệ là Ngài sẽ gởi đến Đấng Bảo Trợ khác “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Như thế, Đức Giêsu tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Cha và Thánh Thần hằng hiện diện và hoạt động nơi Con. Khi Con xuống thế làm người, sứ thần loan báo cho Mẹ Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà… Vì thế, Người Con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Và khi Đức Giêsu chịu phép Rửa – biến cố mở đầu cuộc sống công khai – Ngài “thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11).

II.    Định tính của Hội Thánh.

Là nền tảng, suối nguồn và ánh sáng chiếu soi tất cả đời sống Kitô hữu, nên mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong công thức rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, trong văn bản của các tông đồ “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”. Đồng thời trong cử hành phụng vụ, lời khẩn cầu của Hội Thánh luôn luôn là “Nhờ Đức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC