Chủ đề khácTu ĐứcBÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Cuộc sống tu trì gắn bó đặc biệt với bí tích Thánh thể, bởi lẽ, tu chính là bước theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua, để các tu sĩ được cùng chết và sống lại với Ngài. Chính trong bí tích Thánh Thể được cử hành hàng ngày trong các cộng đoàn tu trì, mà mầu nhiệm vượt qua ấy được thể hiện và tái diễn. Chính vì thế, Sắc Lệnh Canh Tân Thích Nghi Đời Tu, số 6 nói rằng các tu sĩ hãy cử hành phụng vụ, đặc biệt là mầu nhiệm Thánh thể để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình, và được bổ sức nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh thể.

Có thể nói rằng, không thể nào xây dựng một cộng đoàn dòng tu, nếu cộng đoàn ấy không cắm rễ sâu và tập trung vào việc cử hành hy tế Thánh Thể. Vì tất cả việc đào luyện về đời sống thiêng liêng của cộng đoàn đều khởi nguồn từ đó. Trong bí tích Thánh thể, sự hiệp thông với sức sống thần linh và tình yêu thân mật với Chúa Kitô được biểu lộ cách thích hợp và thực hiện một cách tuyệt vời. Từ nơi bí tích Thánh thể, các tu sĩ nhận được lời kêu mời, động lực và sức mạnh để thực hiện cuộc hy tế đời mình trong sự kết hợp với Đấng là của lễ chí thánh (xc.PO5).

Chúa Giêsu muốn trở nên bạn tri âm, muốn là người đồng hành của nhân loại trong suốt cuộc lữ hành dương thế. Chính qua bí tích Thánh thể mà Ngài là Đấng Emmanuel, để ở cùng chúng ta luôn mãi. Trong ý nghĩa đó, dù Ngài đang ẩn mình trong một thánh đường nguy nga, hay trong một nhà nguyện đơn sơ, thì Ngài vẫn luôn là trung tâm tinh thần của một cộng đoàn dòng tu.

Những điều trên đây đã giải thích tại sao trong mỗi một tu viện luôn có một nhà nguyện như một trung tâm của cộng đoàn. Ở nơi đó, cộng đoàn sẽ cử hành và lưu trữ Thánh thể.

Riêng đối với các tu sĩ, Giáo hội khuyên họ hãy cố gắng hết sức để có thể tham dự Thánh lễ hàng ngày, lãnh nhận Mình Thánh Chúa và thờ lạy Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh thể (xc. GL 663). Vì chính trong bí tích Thánh thể mà các tu sĩ tìm được nguyên nhân hiện hữu của mình: đó chính là vì vinh quang của Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Trong thánh lễ hằng ngày, các tu sĩ gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng tỏ mình qua Lời Hằng Sống và ban trót thân mình qua Người Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Thánh thể. Qua việc tiếp xúc hàng ngày với Thánh thể, các tu sĩ sẽ chìm sâu trong tình yêu của Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng sẽ đổ tràn hồng ân của Ngài trong tâm hồn họ. Đồng thời, họ đón nhận những năng lực đổi mới và đạt được một sự bảo đảm chắc chắn hơn cho hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Thánh thể như nguồn suối tuôn tràn “ân sủng cho con người và thánh hóa họ trong Chúa Kitô, đồng thời, Thiên Chúa được tôn vinh vô cùng. Đó là điều mà mọi hoạt động khác của Giáo hội đều qui về như cứu cánh” (SC 10).

Việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh thể cũng sẽ làm cho các tu sĩ biết đáp lại hồng ân của Thiên Chúa. Sống bên Ngài, họ sẽ yêu thích và ân cần gia tăng tình yêu mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin cậy mến. Các hoa trái thiêng liêng trong họ sẽ gia tăng bội phần, trong đó có đức ái huynh đệ trong cộng đoàn, sự bình an và hiệp thông với Giáo hội.

Cũng chính trong Thánh thể, mà các tu sĩ xác định được trương trình cuộc sống, nhờ lắng nghe Lời Chúa và trong sự hợp nhất với của lễ là Chúa Kitô, để rồi trong sự hiệp thông mật thiết với Ngài và cùng Ngài, các tu sĩ hiến mình cho tha nhân. Chính bằng việc tích cực tham dự Thánh lễ, các tu sĩ học cách để tự hiến. Đó là “qua Chúa Kitô, Đấng Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình liên kết với Thiên Chúa và với nhau, để sau cùng, Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (SC 48).

Điều này cho thấy, bí tích Thánh thể không chỉ là nguồn mạch đời sống thiêng liêng cho các tu sĩ, mà còn là nguồn lực thiêng liêng cho công tác tông đồ của họ. Chính vì vậy mà Giáo hội luôn nhắc nhở các tu sĩ không nên vì bận rộn trong các công tác tông đồ mà bỏ bê đời sống cầu nguyện, trong đó bao gồm cả việc tiếp súc với bí tích Thánh thể (xc.PO8). Sứ vụ tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ sự kết hợp lòng trí với Thiên Chúa (xc. PC 5). Có thể nói, việc cầu nguyện đích thực sẽ hướng dẫn những ai được mời gọi sống đời tông đồ. Tinh thần cầu nguyện sẽ giúp họ nhìn thấy Thiên Chúa trong trái tim tha nhân và hiểu được những biểu hiện của tình yêu Chúa trong các biến cố mỗi ngày (xc. ET 44).

Chính vì thế, đức Bênêdictô XVI nói trong Tông Huấn Bí Tích Tình Thương, số 81 rằng: “Chứng tá tiên tri của các tu sĩ nam nữ, những người tìm thấy trong việc cử hành Thánh thể và trong việc tôn sùng Thánh thể sức mạnh thiết yếu cho ơn gọi bước theo Chúa Kitô để vâng phục, thanh bần và khiết tịnh. Cho dù phục vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau như đào tạo nhân sự và chăm sóc người nghèo, giáo dục và y tế, các tu sĩ nam nữ đều nhận biết rằng cứu cánh cuộc đời họ là sự chiêm ngắm những sự thiêng liêng và kết hợp liên lỉ với Chúa trong cầu nguyện.”

Chỉ trong ý nghĩa đó, chúng ta hiểu được tại sao hiện nay, rất nhiều Hội dòng tận hiến, tuy là Dòng hoạt động tông đồ, nhưng cũng rất đề cao việc tôn sùng Thánh thể.

Để thay cho lời kết của bài viết này, chúng ta hay nghe đức Gioan Phaolô II nói về mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến trong Vita Consecrata, số 95: “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm, làm sao một người đã được kêu mời chọn Đức Kitô là Đấng duy nhất có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, lại không ao ước hiệp thông sâu xa với Người, nhờ tham gia mỗi ngày vào bí tích làm cho Người hiện diện, vào hy lễ làm cho tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Gôngôtha tái diễn, vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ Dân Thiên Chúa suốt cuộc lữ hành? Do tự bản chất, bí tích Thánh thể là trung tâm của đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường và nguồn mạch linh đạo cho mỗi cá nhân và các tu hội.”

Người Galilê – Dòng Kytô Vua Vĩnh Long

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC