Chủ đề khácTu ĐứcĐỜI TU VÀ VIỆC CẦU NGUYỆN

ĐỜI TU VÀ VIỆC CẦU NGUYỆN

Có lẽ là không quan trọng và không cần thiết phải đưa ra những khái niệm cụ thể về việc cầu nguyện là gì; cũng không nhằm nói về thái độ và cử chỉ cần phải trang nghiêm khi cầu nguyện, vì lẽ, những người đi tu phải được hiểu là những người đã học biết về những điều ấy. Bài viết này chỉ nhằm nói lên những suy nghĩ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời tu, ngõ hầu giúp chúng ta cùng suy nghĩ về một phương thế hữu hiệu để phát triển đời sống thiêng liêng, để đời tu của chúng ta được nên trọn.

1. Sự cần thiết của việc cầu nguyện trong đời tu

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã từng dạy: “anh em hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,33; Lc 21,36). Nếu cầu nguyện là cần thiết đối với mọi người Kitô hữu, thì nó còn cần hơn đối với những người sống đời sống tu trì.Vì đời sống tu trì là đời sống được dâng hiến cho Thiên Chúa. Người tu là người đã dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa. Vì thế, người tu phải “coi việc cầu nguyện là điều duy nhất, thiết yếu và âu lo kiếm tìm trước nhất của mình” (PC 5). Hơn nữa, cầu nguyện là cách thức làm cho đời sống tâm linh được lớn mạnh. Hiểu rõ được điều đó, đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn về đời sống Thánh hiến số 103 đã ghi rõ: “Mỗi người thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm, không tìm cách thoát ra ngoài lịch sử và cũng không thu lại chính mình. Khi chăm chú lắng nghe và tuân hành Lời Chúa được Giáo Hội bảo vệ và giải thích, người tận hiến cho thấy Đức Kitô mà họ yêu mến trên hết mọi sự và nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, điều mà lòng người mong muốn sâu xa nhất đã được đáp ứng và mong mọi cuộc hành trình tôn giáo chân thành hướng về cõi siêu việt đã tìm được đích điểm”.

Ai sống đời tu mà không cầu nguyện hay không tìm được con đường nội tâm, thì chẳng có ý nghĩa gì và có lẽ chẳng bao giờ đạt được mục đích. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolô II nói tiếp: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình”. Điều này cho thấy cầu nguyện cần thiết như thế nào đối với người dấn thân trong đời tu. “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa”. Vậy, ý nghĩa của đời tu là gì nếu không phải là để đáp lại tình yêu thương của Chúa? Không phải là để tìm gặp Chúa? Vì vậy, đời tu thực sự chỉ có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu: đời tu là đời cầu nguyện (GL 607).

2. Chiều kích cộng đoàn của việc cầu nguyện trong đời tu

Những người đi tu là người được mời gọi để diễn tả cao nhất về thực tại Giáo hội như là một cộng đoàn Dân Thiên Chúa (SC 26). Vì thế việc cầu nguyện của người tu sĩ cũng mang tính cộng đoàn. Những người tu qui tụ lại với nhau để dâng lên Chúa việc phụng thờ xứng đáng với Người theo cung cách tương tự những việc phụng vụ mà Giáo hội thực hiện.

Việc cầu nguyện chung của những người tu mang một ý nghĩa và tác dụng đặc biệt. Đó là biểu hiện của tình huynh đệ trong sự nâng đỡ lẫn nhau giữa các phần tử trong một cộng đoàn. Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Hiến Chế Phụng Vụ về vấn đề này: “Các nghi lễ mang ý nghĩa chung nên được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và linh động hơn là cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư” (SC 27).

Bằng việc cầu nguyện chung với nhau, các phần tử của cộng đoàn nhận thức được sâu sắc về ơn gọi và đặc điểm chung của mình. Đó chính là nền tảng mà cộng đoàn đã được xây nên. Hơn nữa, việc cầu nguyện chung là nguồn mạch và là sự biểu hiện của sự hiệp nhất (PC 15).

Chúng ta không thể tưởng tượng được một cộng đoàn tu trì mà không có lấy một vài giờ cầu nguyện chung với nhau.

3. Chiều kích cá nhân việc cầu nguyện trong đời tu

Dưới một khía cạnh khác, việc cầu nguyện chính là việc gặp gỡ Thiên Chúa. Việc gặp gỡ Thiên Chúa tự bản chất vẫn mang tính cách riêng tư (LG 41). Cũng như mọi tín hữu khác, những người tu cũng “phải vào phòng để âm thầm cầu nguyện với Chúa Cha” (SC 12).

Trong nhà tu, cộng đoàn luôn dành cho mỗi người tu những thời gian thích hợp để họ sống tương quan thân mật riêng tư với Chúa. Đó chính là những khoảng thinh lặng thánh, là giờ suy gẫm, là những giờ xét mình và tĩnh tâm. Đó chính là nhưng giây phút chúng ta gặp gỡ riêng tư với Chúa, để tìm kiếm thánh ý Người và dâng lên Người những nhu cầu của cá nhân. Đức Phaolô VI đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Hai đặc điểm không thể bỏ qua với việc cầu nguyện, đó là: phát xuất từ nội tâm và mang tính cá nhân… Mỗi người cần phải học biết cách cầu nguyện và cầu nguyện bằng cả tâm hồn” (Trích bài diễn văn ngày 22.4.1970).

Chiều kích cá nhân trong việc cầu nguyện không chỉ là khi ta cầu nguyện một mình, nhưng nó cũng phải được thể hiện trong việc cầu nguyện chung với nhau. Chúng ta luôn phải hiệp lòng hiệp ý vào từng lời kinh khi ta đọc chung với nhau, thì việc cầu nguyện mới có ý nghĩa. Hãy nhớ câu: “Miệng đọc lòng suy”.

Quả vậy, việc cầu nguyện cá nhân chuẩn bị và tiếp nối cho việc cầu nguyện cộng đoàn. Cả hai tương trợ lẫn nhau và nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện để thấm nhuần và biến đổi cả cuộc đời tu trì thành lời kinh nguyện.

4. Ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đời tu

Cầu nguyện chính là chất bổ dưỡng cho đời sống thiêng liêng. Sắc lệch Canh Tân Và Thích Nghi Đời Tu đã nhắc nhở rằng, ngoài việc được bổ sức nơi bàn Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, các tu sĩ còn được bổ dưỡng qua việc phụng vụ thánh và những hình thức cầu nguyện (15). Quả vậy, việc “cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện, múc lấy nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô Giáo” (PC 6).

Việc cầu nguyện là việc xây dựng Giáo hội, xây dựng cộng đoàn và xây dựng nhân cách của các tu sĩ. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội đã nói rằng, việc phục vụ Giáo hội trông đợi trước hết nơi các tu sĩ là họ hãy thi hành sứ vụ cầu nguyện của họ trong việc thờ phượng, xin ơn và cộng tác trong công việc thánh hoá. Việc cầu nguyện của các tu sĩ còn góp phần vào việc xây dựng thành đô dưới đất này (LG 46). Còn hiến chế Áng Sáng Muôn Dân thì nói rằng: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá làm người là con người được mời gọi tới kết hợp với Thiên Chúa” (GS 19).

Việc cầu nguyện trong đời tu còn là việc giúp thánh hoá ngày sống của các tu sĩ. Việc ca ngợi Thiên Chúa được phân bổ vào các giờ khác nhau trong ngày sẽ làm sống động và biến mọi hoạt động khác của người tu sĩ đều trở nên lời cầu nguyện, giúp các tu sĩ sống trong tinh thần cầu nguyện liên lỉ (SC 84, 86, 90).

Việc cầu nguyện trong đời tu còn là bước chuẩn bị và là hồn sống cho công việc tông đồ. Việc cầu nguyện đích thực hướng dẫn những ai được mời gọi sống đời tông đồ. Tinh thần cầu nguyện giúp họ nhìn thấy Thiên Chúa trong trái tim tha nhân. Chúng ta sẽ không thể nhận ra Chúa trong anh em, nếu như chúng ta không biết Chúa trong việc hội ngộ riêng tư với Người.

Cuối cùng, ai biết và sống đời cầu nguyện sẽ bền đỗ trong đời tu. Kinh nghiệm cho thấy rất nhiều người đã mất ơn gọi vì lý do bỏ đời sống cầu nguyện.

Người Galilê – Dòng Kytô Vua Vĩnh Long

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC