Chủ đề khácTu ĐứcPHỤC VỤ ANH EM TRONG TÌNH YÊU CHÚA

PHỤC VỤ ANH EM TRONG TÌNH YÊU CHÚA

“Phục vụ anh em trong tình yêu Chúa” nói thì dễ, nhưng thực hành thì thật không đơn giản tí nào. Vì lẽ, phục vụ là gì và tại sao chúng ta lại phải phục vụ làm chi: anh sống kệ anh, tôi sống kệ tôi. Vì cớ gì mà tôi phải vướng víu với anh? Tại sao tôi phải có trách nhiệm và phải nhớ đến và yêu thương anh làm chi? Cuộc đời của tôi tại sao phải chịu cực khổ, hao mòn và mệt mỏi vì anh: anh đâu phải bố tôi, đâu phải anh em ruột thịt của tôi…? Rồi còn những suy nghĩ ích kỷ khác theo kiểu việc ai nấy làm, liên quan gì đến tôi; ai làm kệ ai, ngu thì ráng chịu; chỗ chung, việc chung mình không làm cũng có người khác làm; hoặc tệ hơn nữa khi nghĩ rằng mình như vầy mà phải làm những việc ấy sao; hoặc nó là ai mà tao phải làm cho nó… rồi tìm cách thoái thác, kiếm cớ trốn việc, hay có làm cũng cố tìm nhẹ lánh nặng… Vô vàn những câu hỏi, những lối suy nghĩ kiểu như thế được đặt ra khiến chúng ta không thể phục lẫn nhau, cho dù chúng ta vẫn sống bên nhau hàng ngày trong cộng đoàn.

1. Phục vụ theo tinh thần Tin mừng

Khi đọc lại Tin mừng, chúng ta thấy không ít những giáo huấn của Đức Kitô về vấn đề phục vụ. Chúng ta có thể tóm kết dưới đây một vài điểm tiêu biểu:

–     Phục vụ là không so đo tính toán, nghĩa là phục vụ cách khiêm tốn, vô vị lợi, quên mình vì tha nhân: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ cho anh em” (Mc 10, 43-44).

–     Phục vụ là sẵn sàng giúp đỡ và làm cho tha nhân được thăng tiến, hạnh phúc: “Hãy làm cho người khác điều mà con muốn người ta làm cho con” (Mt 7,12).

–     Phục vụ là mang Tin mừng cứu độ đến cho mọi người, thăng tiến con người trên mọi bình diện. Chính Đức Kitô là mẫu gương cho ta: “Con Người đến là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

–     Phục vụ là vượt lên mọi giá trị vật chất, không phân biệt địa vị và hướng đến giá trị tinh thần: “Thầy đến để phục vụ anh em, chứ không phải Thầy đến để được anh em phục vụ (Mt 20,28).

–     Đối với thánh Phaolô, mọi người phải tích cực lao động và liên kết với nhau trong công việc để phục vụ, ngõ hầu ngày càng làm cho cộng đoàn phát triển và trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô (Xc, Cl 2,28).

Như vậy, theo tinh thần Tin mừng, phục vụ làm ta nên cao quí, phục vụ là con đường dâng hiến con người nhỏ bé của ta cho thực tại lớn lao là Thiên Chúa. Có những phương cách và tâm tình phục vụ rất đơn sơ nhưng giá trị của nó lại rất cao cả đối với Chúa và mọi người, vì đó là phục vụ trong yêu thương.

2. Tại sao ta phải phục vụ

Lý do thứ nhất ta phải hiểu, theo tinh thần của Đức Kitô trong Tin mừng, phục vụ anh em là phục vụ chính Chúa. Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Người nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40,45). Đó cũng là tiêu chuẩn trước hết Ngài hỏi ta trong ngày phán xét (xc. Mt 25,31-46). Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài. Đừng hiểu phục vụ chỉ đơn thuần là phục vụ con người, mà phải hiểu với ý thức là phục vụ Thiên Chúa trong con người, bởi vì thật sự Ngài hiện diện cách thâm sâu nơi mỗi người. “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6, 7). Khi phục vụ người khác trong tinh thần đó ta thấy tâm trí mình thoát khỏi tính ích kỷ. Và rồi bình an đổ đầy lòng ta, với xác tín rằng ta chẳng cần tranh dành với ai.

Thứ hai, ta phải phục vụ anh em trong tình liên đới. Có những sự việc xảy ra ngoài trách nhiệm của chúng ta, nhưng đòi buộc chúng ta phải xả thân phục vụ vì nó nằm trong tinh thần liên đới. Không ai có quyền sống riêng cho mình nhất là khi đứng trước tình cảnh khó khăn và đau khổ của người khác. Đó là chân lý trong lẽ sống làm người, huống chi đối với chúng ta là những người coi mọi người như anh em với nhau, vì cùng là con của một Cha trên trời và đang hướng tới sự hoàn thiện như Ngài. Người Samaritano khi đứng trước một người cần cứu giúp, anh ta không hề tính toán xem mình có trách nhiệm hay không, anh ta cũng không hề nghĩ đến sự cách biệt chủng tộc, tôn giáo, chức vụ, nghề nghiệp, xấu tốt, người thân hay kẻ thù. Anh ta chỉ biết xả thân phục vụ một con người đang khốn đốn trong tinh thần liên đới. Tinh thần liên đới đòi buộc anh ta phải phục vụ dù biết rằng phải hao tốn nhiều công sức và tiền bạc, làm trì hoãn và gây nên khó khăn cho trách nhiệm của anh ta đang thi hành, hơn nữa, anh ta có thể bị liên lụy và nguy hiểm cho tính mạng của mình. Như vậy tinh thần liên đới, theo Đức Giêsu, không phải chỉ là sự ràng buộc trên tình người mang tính cách cứu giúp bên ngoài mà thôi, nhưng còn phải dám đồng cam cộng khổ, liên đới với chính số mạng của họ nữa.

3. Ý nghĩa của phục vụ

Qua những phân tích trên đây, chúng ta để ý đến tâm thế và phong cách của người phục vụ: đó là chu toàn tốt bổn phận và trách nhiệm của mình một cách âm thầm lặng lẽ vì lòng yêu thương nhân ái; đó là làm tốt công việc của mình ngay trong giây phút hiện tại này, trong hoàn cảnh này với những con người này và ở môi trường này. Hãy làm những gì mình có thể làm được cho anh em mình, mặc dù nhỏ bé đơn sơ, nhưng lại là những chứng tích hùng hồn nói lên tình yêu sống động của mình đối với Đức Kitô, để mỗi ngày nhờ phục vụ mà chúng ta được sống với Ngài, lớn lên trong Ngài, hoàn thành mọi sự nhờ Ngài, và mỗi ngày trở nên giống Ngài, Đấng là mẫu gương siêu đẳng của sự phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường để mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người.

Phục vụ là niềm vui, là vinh hạnh của mỗi người chúng ta vì được góp phần của mình vào cuộc sống này. Cái buồn khổ nhất là thấy mình không còn được phục vụ nữa hoặc không còn khả năng để phục vụ. Tuy nhiên sự phục vụ không chỉ hệ tại ở hành động hay hoạt động nhưng thái độ phục vụ trước tiên là ở chính tâm thế của mình: một tâm thế yêu thương ngay trong chính sự hiện diện của mình. Một tâm thế nằm trong hiện tại của con người mình theo như Chúa muốn chứ không phải như mình muốn. Vì thế, không phải bất cứ sự phục vụ nào cũng chân chính, mà phải là sự phục vụ theo mô hình của Đức Kitô. Mô hình phục vụ này loại bỏ mọi kiểu cách phục vụ khác vì nó lệch lạc và bất chính: đó là thứ phục vụ ăn trên ngồi chốc, phục vụ bằng quyền hành thống trị, phục vụ vì háo danh và lợi lộc, phục vụ theo cảm tính và ý đồ của mình, phục vụ độc tài và chiếm hữu… Chính vì để phản bác lại những kiểu cách phục vụ như thế mà trong thơ Ephêsô thánh Phaolô đã lên tiếng: “Anh em hãy đem lòng yêu thương mà làm tôi lẫn nhau”(Ep 5, 13).

Đức Cha Bùi Tuần có lần đã viết lên cảm nhận của Ngài về sự phục vụ như sau: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu 3 bông hồng đẹp. Đầu lễ 3 bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ những bông hồng này rủ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ cả, thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn hủy hoại như thế này chắc Chúa chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên tôi nghĩ đến Lời Chúa: “Ta thích lòng nhân hậu chứ không phải hy lễ”.

Cuối cùng, chúng ta thấy phục vụ là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô và nên giống Đức Kitô. Bất cứ sự phục vụ nào khác với tính cách của Đức Kitô đều là phản bội lại lý tưởng phục vụ của đời sống Kitô hữu. Muốn thế chúng ta hãy chìm sâu trong cầu nguyện để nhìn ngắm Đức Kitô trong sự hoà nhập vào tính cách của Ngài, mặc lấy tinh thần của Ngài và làm một với con người của Ngài. Đó là điều chúng ta tha thiết cầu xin và nỗ lực không ngừng để trở nên một phản ảnh trung thực về Đức Kitô, Đấng phục vụ Thiên Chúa và con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình. Ngài là lý tưởng sống duy nhất và là hạnh phúc của chúng ta trong cuộc đời phục vụ.

4. Kết luận

Trong một nếp sống văn minh vật chất, người ta chỉ còn muốn hưởng thụ mà ít ai thật sự muốn phục vụ. Lối sống này cũng đã bắt đầu lan tràn vào đời sống của các linh mục và tu sĩ: từ bỏ thì ít mà chiếm giữ thì nhiều; hy sinh thì nhỏ mà đòi hỏi thì lớn; nói thì dạy dỗ đủ mọi điều mà làm và sống điều mình nói thì chẳng có bao nhiêu; điều gì dễ dàng thoải mái thì tha thiết đón nhận, còn điều gì khó khăn nặng nề thì tìm cách cho đi; điều gì thoả thích thì vui hưởng, còn điều gì không ổn và bất lợi thì phản kháng và dồn hết cho người khác. Những điều này làm ta nhớ lại điều Chúa nói : “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4).

Gợi ý thực hành: Mỗi ngày ta hãy tìm một việc gì đó ích lợi cho anh em, cho cộng đoàn hay thậm chí cho xã hội, và hãy làm việc đó mà không đợi phải sai biểu.

Người Galilê – Dòng Kytô Vua Vĩnh Long

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC