Chủ đề khácTu ĐứcĐỜI TU VÀ NHÂN ĐỨC CÔNG BẰNG

ĐỜI TU VÀ NHÂN ĐỨC CÔNG BẰNG

Công bằng là một trong những ý niệm cơ bản trong đời sống luân lý và pháp lý. Trong cuộc sống con người, công bằng là một yêu cầu hay được nại tới nhất. Có thể nói, mọi người đều nại tới sự công bằng và đòi hỏi sự công bằng. Trong đời tu, với sự nỗ lực rèn luyện các nhân đức sống, sự công bằng cũng cần phải được quan tâm để cuộc sống chung trong cộng đoàn được hài hoà và phát triển.

1. Công bằng là gì

Theo cách hiểu cổ điển nhất, công bằng là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Theo học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, công bằng thường được chia thành ba loại: công bằng giao hoán, công bằng pháp lý và công bằng phân phối. [1] Theo đó, sự công bằng đòi hỏi của cải và các dịch vụ phải được trao đổi theo đúng luật (công bằng giao hoán). Nguyên tắc công bằng cũng sẽ qui định các quan hệ giữa cộng đồng và từng cá nhân. Mọi lợi tức cũng như mọi trách nhiệm sẽ được phân phối trong cộng đồng một cách bình đẳng tương xứng (công bằng phân phối). Sự công bằng cũng đòi hỏi các thành viên trong một cộng đồng phải đáp ứng các nhu cầu của công ích (công bằng pháp lý hay còn gọi là công bằng đóng góp).[2]

Trên nguyên tắc, các đòi hỏi của đức công bằng được áp dụng cho tất cả mọi người, đồng thời, nó buộc chúng ta phải thi hành. Các đòi hỏi ấy là tương đối rõ ràng, có thể xác định được, ít ra như một qui tắc. Nếu vì sự công bằng chúng ta có bổn phận phải loại trừ một hành vi phi pháp, thì cũng chính vì sự công bằng mà ta phải xác định dứt khoát những gì chúng ta phải làm.

Hơn nữa, truyền thống luân lý Kitô giáo còn coi đức công bằng là một trong bốn nhân đức trụ. Khi đã là một nhân đức, sự công bằng sẽ không bao giờ dừng lại với những gì luật đòi buộc. Trái lại, vì chân thành quan tâm đến những yêu sách đúng đắn của người khác, ta sẽ cố gắng cống hiến cho họ những gì cần thiết để tồn tại.

2. Những hình thức vi phạm công bằng trong đời tu và những giải pháp khắc phục

Sau khi đã tìm hiểu về đức công bằng theo học thuyết xã hội của GHCG, và coi đó như một nguyên tắc để xét mình, chúng ta không khỏi giật mình, vì trong đời tu cũng có những hình thức vi phạm đức công bằng. Nếu xem xét kỹ, chúng ta thấy có thể có rất nhiều hình thức vi phạm đức công bằng, đôi khi là những vi phạm rất trầm trọng. Tuy nhiên, dựa trên ba hình thức công bằng, cũng như thực tế của cộng đoàn, dưới đây, chúng tôi chỉ nói đến một vài hình thức vi phạm cụ thể.

a. Lãng phí thời giờ

Mỗi người đều được Chúa ban cho thời gian mỗi ngày 24 giờ, không ai hơn ai. Chúng ta hãy dùng thời gian ấy để thăng tiến bản thân và cộng đoàn. Khoảng thời gian 24 giờ mỗi ngày phải được phân bổ hợp lý cho học hành, làm việc, giải trí và nghỉ ngơi.

Người không sử dụng thời gian hợp lý không chỉ gây thiệt hại cho chính mình mà còn thiệt hại cho cộng đoàn và xã hội. Hãy cứ tưởng tượng, mỗi ngày ta lãng phí một giờ, thì một tuần, một tháng, một năm, rồi một đời sẽ là bao nhiêu. Lại nữa, nếu một người một giờ, thì 100 người sẽ là một trăm giờ… Từ cách nhẩm tính ấy, chúng ta chỉ cần qui ra ngày công, chúng ta sẽ nhìn thấy con số thiệt hại là rất lớn.

Mới nhìn, xem ra việc lãng phí thời gian chẳng liên quan gì đến đức công bằng. Thế nhưng, nếu ta phải đi làm để tự nuôi sống bản thân, ít nhất ta cũng phải vất vả 8 tiếng mỗi ngày để có của nuôi thân. Đó chính là sự công bằng giao hoán trong việc sử dụng thời gian. Hãy nhớ câu nhắc nhở của thánh Phaolô với các tín hữu Thesalonica: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3,10). Trong khi đó, chúng ta là những người đi tu, được cộng đoàn nuôi dưỡng và cưu mang. Tình trạng này rất dễ nảy sinh tâm lý ỉ lại, vì ta không cần phải lo cơm áo gạo tiền, để rồi lãng phí quá nhiều thời gian cho việc chơi bời, tán gẫu, hay thậm chí là ngủ ngày…

Hơn nữa, nếu lãng phí thời gian theo kiểu đó còn là một hình thức ăn cắp thời giờ của người khác. Biết bao người đang dồn công sức và tâm trí, hi sinh niềm vui cá nhân để lo cho ta, thế mà ta lại không biết trân trọng. Nên nhớ, họ cũng là người, cũng cần giải trí, vui chơi và tạo lập các tương quan.

Để sử dụng hiệu quả thời gian Chúa ban, cách tốt nhất là hãy tập cho mình một thói quen đúng giờ với phương “châm giờ nào việc nấy”. Chúng ta hãy lập cho mình một thời gian biểu rõ ràng, ít nhất là trong một tuần lễ, và phải cố gắng tuân thủ triệt để. Việc hôm nay không để ngày mai. Đối với thời gian dài hơn, ta phải có một mục tiêu và một kế hoạch để đạt được mục tiêu ấy. Có như thế, chúng ta mới có thể dễ dàng kiểm soát được thời gian của mình.

b. Lãng phí của công

Có thể nói cộng đoàn là nơi rất dễ rơi vào tình trạng lãng phí của công. Của công ở đây được hiểu là của cộng đoàn, của nhà dòng, của giáo hội. Chúng ta hãy ý thức nhà cửa, máy móc, xe cộ, cơm áo, điện nước, sách vở, tiền của… của cộng đoàn là do công sức của bao người đóng góp do mồ hôi nước mắt. Vì thế, khi dùng chúng, ta phải cận thận, phải gìn giữ và tiết kiệm kẻo lỗi nặng về đức công bằng.

Những hình thức lãng phí của công thường ẩn nấp dưới hình thức sử dụng không đúng chức năng các trang thiết bị, phí phạm nguyên vật liệu, phân chia không đồng đều, hay học hành lơ là… Của công sẽ còn bị lãng phí nhiều hơn nữa khi nó rơi vào tay những người thiếu tinh thần trách nhiệm theo kiểu ‘cha chung không ai khóc”. Thậm chí có những người lợi dụng của công để vun vén cho những lợi ích cá nhân, để chiếm hữu càng nhiều càng tốt. Nên nhớ, nhà dòng cung cấp những phương tiện đó để chúng ta nên người. Nếu ta không biết sử dụng, hoặc sử dụng một cách vô tội vạ sẽ lỗi nặng về đức công bằng.

Để tránh những lỗi này, trước hết chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm để bảo vệ, gìn giữ và tiết kiệm cho cộng đoàn.. Sau nữa, ta phải biết quan tâm đến anh em để biết chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau, vì mọi lợi tức cũng như mọi trách nhiệm sẽ được phân phối trong cộng đồng một cách bình đẳng tương xứng (công bằng phân phối). Hãy nhớ lời dạy của thánh Phaolô: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho kẻ khác. Giữa anh em với nhau, hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,4-5). Bên cạnh đó, ta cũng phải biết tiết kiệm, giữ gìn để cho những thế hệ kế tiếp còn có cái mà sử dụng.

c. Quyền lợi và nghĩa vụ

Cũng như các cộng đồng khác, khi sống trong một cộng đoàn, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyền lợi là cái ta đáng được hưởng; nghĩa vụ là cái ta phải đóng góp. Quyền lợi và nghĩa vụ phải liên kết và bổ túc hài hoà với nhau. “Huấn quyền của Giáo hội đã lưu ý đến sự mâu thuẫn nội tại khi khẳng định các quyền lợi mà không nhìn nhận các trách nhiệm tương ứng. Bởi đó, những ai đòi hỏi quyền lợi mà quên hay bỏ qua không thi hành các nghĩa vụ của mình là những người tay này xây dựng, nhưng tay kia phá hoại.”[3]

Cộng đoàn của chúng ta hiện nay mang tính chất một cộng đoàn học hành. Chính vì thế, nghĩa vụ của hầu hết mọi người là phải học hành nghiêm túc để có kiến thức cho sau này có những đóng góp lớn hơn cho Hội dòng, cho Giáo hội. Đồng thời, chúng ta cũng phải tích cực đóng góp vào những công việc chung của cộng đoàn, đối với những công việc được phân công đã đành, nhưng cũng cần phải lưu ý đến những việc nhỏ nhặt không ai phân công. Nên tránh thái độ quyền lợi thì hưởng tối đa, trong khi nghĩa vụ thì tối thiểu. Để làm được việc đó, chúng ta cần phải có tinh thần biết trọng của công hơn của riêng, trọng việc chung hơn việc cá nhân. Đồng thời, mọi hoạt động của chúng ta hãy đặt lợi ích của Hội dòng lên trên hết.

Có thể nói, nguyên tắc công bằng nhắm trực tiếp tới cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình và từng cộng đồng. Không ít thì nhiều, trong cuộc sống, vì lòng tham, vì ham mê của cải, vì ích kỷ… mỗi người chúng ta cũng đã lỗi phạm cách này cách khác tới đức công bằng. Hiểu rõ về những nguyên tắc công bằng sẽ giúp mỗi người chúng ta kiểm điểm lại những lỗi phạm ấy, nhằm diệt trừ lòng tham lam, chấm dứt các gian lận, gian dối… trong con tim của mỗi người, trong gia đình và trong cộng đoàn.

Người Galilê – Dòng Kytô Vua Vĩnh Long


[1] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 201.

[2] Xc. Karl H. Peschke, Special Moral Theology, tập II, trang 83-85.

[3] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 156.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC