Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Thánh Vịnh2. Thần Linh cầu nguyện nơi chúng ta bằng Thánh Vịnh

2. Thần Linh cầu nguyện nơi chúng ta bằng Thánh Vịnh

1. Trước khi khởi sự dẫn giải từng Thánh Vịnh và Các Bài Ca Chúc Tụng, hôm nay chúng ta hãy hoàn tất việc suy tư mở đầu của chúng ta đã được bắt đầu từ bài giáo lý lần vừa rồi. Chúng ta sẽ kết thúc phần mở đầu này, bằng cách nói đến một khía cạnh vốn được truyền thống tu đức của chúng ta đề cao, đó là khi hát Thánh Vịnh, Kitô hữu cảm thấy có một cái gì đó hòa hợp giữa Vị Thần Linh nơi Thánh Kinh với Vị Thần Linh ngự trong họ nhờ ơn Phép Rửa. Họ cảm thấy âm vang “những lời than khôn tả” được Thánh Phaolô nói tới (x Rm 8:26), những lời Thần Linh Chúa Kitô giúp người tín hữu có thể hiệp với lời nguyện cầu cá biệt của Chúa Giêsu: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15; Gal 4:6). Các vị đan sĩ xưa tin tưởng vào sự thật này đến nỗi họ đã không cần phải hát Thánh Vịnh bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Họ dư biết rằng họ đang đi cùng chiều “hợp” với Thánh Linh. Họ xác tín rằng, đức tin của họ có thể làm cho các câu Thánh Vịnh toát ra một thứ “lực” đặc biệt của Thánh Linh. Họ cũng tin rằng, trong việc họ thường dùng Các Thánh Vịnh như “lời kinh nguyện phóng phát” – “iaculum” từ tiếng Latinh có nghĩa là “xuất phát đột ngột và chớp nhoáng” – cho thấy các cách khéo léo diễn đạt gẫy gọn nơi Các Thánh Vịnh làm cho họ có thể “thoát bay” giống như những mũi tên lửa bắn vào các chước cám dỗ chẳng hạn. Gioan Cassian, một tác giả sống giữa thế kỷ thứ tư và thứ năm, nhắc lại là các vị đan sĩ đã khám phá ra được tác lực phi thường từ đoản incipit của Thánh Vịnh 69: “Ôi Thiên Chúa, xin đến nâng đỡ tôi; Chúa ơi, xin mau đến cứu giúp tôi”, một đoản vịnh từ đó đã trở thành cửa ngõ mở đầu cho Phụng Vụ Giờ Kinh (x Conlationes, 10, 10: CPL 512.298ff). 2. Ngoài việc hiện diện của Thánh Linh ra, còn một chiều kích quan trọng khác nữa, đó là chiều kích tác hành tư tế được Chúa Kitô, hợp cùng với Giáo Hội, Hiền Thê của Người, thể hiện nơi lời kinh nguyện này. Bởi thế, nói đến Phụng Vụ Giờ Kinh, Công Ðồng Vaticanô II dạy rằng: “Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế của Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn. . . gắn liền bản thân mình với toàn thể cộng đồng nhân loại và làm cho họ hợp với mình hát lên bài ca thần linh chúc tụng. Vì Người tiếp tục việc tư tế của mình nơi Giáo Hội Người. Giáo Hội, bằng việc cử hành Thánh Thể cũng như bằng các cách thức khác, nhất là bằng việc cử hành Thần Vụ, đã không ngừng chuyên tâm trong việc chúc tụng Chúa và chuyển cầu cho toàn thế giới ơn cứu độ” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 83). Bởi vậy, Phụng Vụ Giờ Kinh có đặc tính của một loại kinh nguyện cầu chung đặc biệt bao gồm Giáo Hội. Cần phải sáng suốt nghĩ lại lý do tại sao Giáo Hội từ từ đã quyết tâm thực hiện đặc biệt việc cầu nguyện trùng hợp với các thời đoạn khác nhau trong ngày. Ðể biết được điều này, chúng ta cần phải trở lại với cộng đồng thời tông đồ vào những ngày còn có một mối liên hệ gần gũi giữa kinh nguyện Kitô giáo với loại kinh nguyện được gọi là “các kinh nguyện theo luật”, tức là các kinh nguyện theo Luật Moisen – những kinh nguyện phải được cầu khẩn vào những giờ chuyên biệt trong một ngày ở đền thờ Giêrusalem. Theo Sách Tông Vụ, chúng ta biết rằng, Các Tông Ðồ có thói quen “họp nhau ở đền thờ” (Acts 2:46), và “lên đền thờ vào giờ cầu nguyện là giờ thứ chín” (3:1). Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng “các kinh nguyện tuyệt hảo nhất” là các kinh nguyện buổi sáng và buổi tối. 3. Thành phần môn đệ của Chúa Kitô dần dần mới nhận ra một số Thánh Vịnh nào đó đặc biệt thích hợp với giờ giấc chuyên biệt trong ngày, trong tuần hay trong năm, khi tìm thấy nơi những Thánh Vịnh ấy một ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Kitô giáo. Thánh Cyprianô là chứng nhân uy tín của tiến trình này, vị đã viết từ tiền bán thế kỷ thứ ba như sau: “Chúng ta cũng phải cầu nguyện khi bắt đầu một ngày để cử hành Việc Phục Sinh của Chúa Kitô qua kinh ban mai. Chúa Thánh Thần đã từng đặt ra như thế khi Ngài nói ở Thánh Vịnh: ‘Ôi lạy đức vua của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi. Tôi kêu cầu Ngài: Ôi Chúa, xin hãy nghe tiếng tôi vào buổi sáng mai. Vào buổi sáng mai tôi sẽ đứng trước nhan Chúa và trông nhìn Chúa’ (Ps 5:3-4). . . Bởi Chúa Kitô là Mặt Trời đích thực và là Ngày Sống đích thực, nên lúc mặt trời và ngày sống qua đi, lúc chúng ta cầu nguyện và kêu xin cho ánh sáng trở lại chiếu soi trên chúng ta, là chúng ta cầu xin Chúa Kitô đến để ban cho chúng ta được ơn sáng soi đời đời” (De oratione dominica, 35: PL 39: 655). 4. Truyền thống Kitô giáo không chỉ bị trói buộc vào việc bảo tồn tục lệ Do Thái, song đã thực hiện một số điều mới, ở chỗ tạo nên một tính chất khác cho toàn thể cảm nghiệm nguyện cầu nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô. Thật vậy, ngoài việc thêm Kinh Lạy Cha vào buổi sáng và buổi tối, Kitô hữu còn được tự do chọn Các Thánh Vịnh để cử hành việc cầu nguyện hằng ngày. Qua giòng lịch sử, tiến trình này đã đưa đến việc sử dụng những Thánh Vịnh đặc biệt cho những giây phút quan trọng riêng theo đức tin. Trong số những Thánh Vịnh, nổi bật nhất là kinh nguyện canh thức, thời điểm sửa soạn cho Ngày của Chúa, Chúa Nhật, ngày cử hành biến cố Phục Sinh. Sau đó, Kitô giáo còn có một đặc tính chung nữa là ở vào cuối mỗi Thánh Vịnh và Ca Vịnh đọc thêm lời tán tụng Chúa Ba Ngôi: “Sánh danh Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần”. Nhờ đó, mọi Thánh Vịnh và Ca Vịnh được sáng tỏ bởi sự viên mãn của Thiên Chúa. 5. Kinh nguyện Kitô giáo được hạ sinh, nuôi dưỡng và phát triển chung quanh biến cố đức tin thượng đẳng, đó là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Thế nên, Phục Sinh, việc Chúa Kitô vượt qua từ cõi chết đến sự sống, mới được tưởng niệm vào ban sáng, vào ban tối, vào lúc mặt trời lên cũng như vào lúc mặt trời lặn. “Ánh sáng thế gian”, biểu hiệu của Chúa Kitô, có thể được thấy nơi ánh sáng của ngọn đèn thắp lên trong giờ Kinh Tối, một giờ kinh bởi thế còn được gọi là “lucernarium”. Còn các giờ giấc trong ngày nhắc lại các biến cố Tử Nạn của Chúa Kitô, cũng như giờ thứ ba nhắc lại giờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Sau hết, kinh nguyện về đêm có một đặc tính cánh chung, tái nhắc nhở cho chúng ta về việc tỉnh thức được Chúa Giêsu khuyên giục đối với việc Người đến lần thứ hai (x Mt 13:35-37). Dâng kinh nguyện theo nhịp sống như thế, Kitô hữu đã đáp lại lệnh truyền của Chúa Kitô là “các con hãy cầu nguyện luôn” (x Lk 18:1; 21:36; 1Thess 5:17; Eph 6:18), song vẫn không quên rằng cả đời sống của mình, một cách nào đó, phải trở thành một đời cầu nguyện. Về vấn đề này giáo phụ Origen viết: “Người không ngừng cầu nguyện là người biết hòa hợp cầu nguyện với hoạt động và hoạt động với nguyện cầu” (Về Việc Cầu Nguyện, XII, 2: PG 11, 452C). Tất cả mọi cảnh đời đều tạo nên cơ hội tự nhiên cho việc nguyện xướng Thánh Vịnh. Nếu biết lắng nghe và sống như thế thì lời tán tụng Chúa Ba Ngôi làm cho hết mọi Thánh Vịnh thêm sang trọng, đối với Kitô hữu trong Chúa Kitô, sẽ trở thành việc họ liên lỉ lặn ngụp trong các giòng nước Thần Linh cũng như trong mối hiệp thông Dân Chúa, trong biển cả của sự sống và bình an mà con người đã được trầm mình qua Phép Rửa, tức là, trong mầu nhiệm của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

(L’ Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 11/4/2001)

ĐTC Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ)

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC