1. Thánh Vịnh 62 chúng ta đang suy niệm hôm nay đây là Thánh Vịnh của tình yêu huyền nhiệm, một tình yêu thể hiện mối liên kết trọn vẹn với Thiên Chúa bằng một ước vọng và vươn lên hầu như về thể lý, tới mức độ viên trọn của mình, trong một niềm gắn bó chặt chẽ và bền vững. Lời cầu nguyện trở thành niềm trông mong, thành một cơn đói và một nỗi khát khao, vì lời cầu nguyện này bao gồm cả linh hồn lẫn thể xác.
Thánh Têrêsa Avila đã viết: “Theo tôi, khát khao nghĩa là ước mong một điều gì đó rất cần cho chúng ta, cần đến nỗi nếu không có nó chúng ta sẽ chết” (Ðường Lối Trọn Lành, chương 19). Phụng vụ cho chúng ta thấy hai câu đầu của bài Thánh Vịnh thực sự nhấn mạnh đến các biểu hiệu của một cơn đói và của một nỗi khát khao, còn câu thứ ba gợi lên cho thấy một chân trời đen tối, chân trời của lý đoán thần linh về sự dữ, ngược lại với vẻ sáng lạn và niềm trông đợi đầy hy vọng nơi phần còn lại của bài Thánh Vịnh.
2. Chúng ta hãy bắt đầu việc suy niệm của chúng ta bằng bài ca đầu tiên, ca khúc về nỗi khát khao Thiên Chúa (x các câu 2-4). Bấy giờ là hừng đông, mặt trời đang lên trên bầu trời thanh quang ở Thánh Ðịa, và con người cầu nguyện mở đầu một ngày sống của mình bằng việc lên đền thờ để tìm kiếm ánh sáng của Thiên Chúa. Người này nói được rằng có một nhu cầu về thể lý, hầu như theo bản năng, đối với việc gặp gỡ Chúa. Như mặt đất khô khan cằn cỗi cho đến khi nó được mưa xuống tưới dội, và những chỗ nứt nẻ của mặt đất cho thấy hình ảnh cái miệng khan khát của nó há ra thế nào, thì tín hữu khát mong Thiên Chúa cũng được tràn đầy Ngài, nhờ đó được sống hiệp thông với Ngài như vậy.
Tiên tri Giêrêmia đã loan báo: Chúa là “nguồn nước hằng sống” và đã trách móc dân chúng về việc họ xây “những bể rạn nứt không chứa được nước” (2:13). Chính Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu gọi: “Ai khát hãy đến cùng Tôi; ai tin vào Tôi thì hãy uống” (Jn 7:37-38). Vào giữa một buổi trưa, trong một ngày nắng vắng lặng, Người đã hứa với người phụ nữ Samaritanô rằng: “Ai uống nước Tôi ban sẽ không bao giờ còn khát nữa; nước Tôi ban sẽ trở thành nơi họ một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn 4:14).
3. Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh 62 được đan kết với bài ca tuyệt vời của Thánh Vịnh 42: “Như nai khát khao suối nước chảy thế nào, linh hồn con cũng trông mong Chúa như vậy, Ôi Thiên Chúa. . . Khi nào con mới được đến chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa?” (các câu 2-3). Ở đây, theo ngôn ngữ Cựu Ước, chữ “linh hồn” nơi tiếng Do Thái có ý nghĩa như chữ nefesh, một chữ trong một số đoạn có nghĩa là “cổ họng”, và ý nghĩa này, ở trong nhiều đoạn khác, được nới rộng thêm nữa, bao gồm cả hữu thể con người. Theo những chiều kích này, từ ngữ ấy đã giúp chúng ta thấy được nhu cầu chúng ta phải cần đến Thiên Chúa thiết yếu và sâu xa là chừng nào; không có Ngài chúng ta thiếu hơi thở và thậm chí thiếu cả sự sống nữa. Vì lý do này, nếu không hiệp nhất với Thiên Chúa, thì Tác Giả Thánh Vịnh cho rằng ngay cả việc hiện hữu về thể lý cũng không quan trọng: “Tình yêu trung kiên của Chúa thì cao quí hơn cả sự sống” (Ps 62:3). Trong Thánh Vịnh 73, tác giả cũng lập lại cùng Chúa rằng: “Trên đời này, ngoài Chúa ra con không còn mong gì nữa. Xác thịt con và tâm hồn con có suy yếu thì Thiên Chúa đời đời vẫn là sức mạnh của tâm hồn con cũng như của phận số của con. . . bởi vì, đối với con, được sống gần Thiên Chúa là điều thiện hảo” (25-28).
4. Sau bài ca về nỗi khát khao, Tác Giả Thánh Vịnh hát bài ca về một cơn đói (x Ps 62:5-8). Bằng hình ảnh của “một tâm hồn hân hoan thưởng thức cao lương mỹ vị” và được no thỏa, con người cầu nguyện có lẽ muốn nói đến một trong những hiến tế được cử hành trong đền thờ Sion, một hiến tế được gọi là hiến tế “hiệp thông”, tức là, một bữa tiệc thánh cho tín hữu được thưởng thức thịt hiến tế. Một nhu cầu sống sâu xa khác được sử dụng ở nơi đây như một biểu hiệu hiệp thông với Thiên Chúa, đó là một cơn đói được giảm bớt đi khi con người nghe Lời thần linh và gặp gỡ Chúa. Thật vậy, “người ta không sống nguyên bởi bánh, mà. . . bởi mọi sự phát ra từ miệng Chúa” (Dt 8:3; Mt 4:4). Ở đây tâm trí Kitô hữu lóe lên ý nghĩ về bữa tiệc Chúa Kitô bày dọn vào đêm cuối cùng của Người trên trần gian, một bữa tiệc có một giá trị hết sức sâu xa đã được Người cắt nghĩa trong bài giảng của Người ở Caphanaum: “Thịt của Tôi thực là của ăn, và máu Tôi thực là của uống. Ai ăn thịt Tội và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:55-56).
5. Nhờ lương thực huyền nhiệm của mối hiệp thông với Thiên Chúa mà “linh hồn được gắn bó với Ngài”, như Tác Giả Thánh Vịnh nói. Một lần nữa, chữ “linh hồn” cho thấy toàn thể con người. Ở đây, người ta mới thực sự thấy được một nỗi ấp ủ, một mối liên kết hầu như về thể lý; từ đó, Thiên Chúa và loài người hoàn toàn hiệp thông với nhau, và trên môi miệng tạo vật của Ngài chỉ thấy xướng lên lời hân hoan chúc tụng tạ ơn mà thôi. Ngay cả trong đêm tăm tối, chúng ta cũng cảm thấy được Thiên Chúa ấp ủ bảo vệ, như hòm bia Giao Ước được bao phủ bằng đôi cánh của thần Kerubim. Thế rồi, niềm hân hoan được bộc phát bằng lời diễn đạt ngất ngây: “Con hát ca mừng vui trong bóng cánh của Chúa”. Nỗi sợ hãi biến tan, niềm ấp ủ không dính liền với hư không mà là với chính Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được quyền năng của cánh tay hữu Ngài nâng đỡ (x Ps 62:7-8).
6. Ðọc Thánh Vịnh theo chiều hướng của mầu nhiệm Lễ Phục Sinh, cơn đói và nỗi khát vọng của chúng ta, một thứ đói khát thôi thúc chúng ta hướng về Thiên Chúa, được thỏa nguyện nơi Chúa Kitô tử giá và phục sinh, Ðấng mà nhờ Người chúng ta được lãnh nhận tặng ân Thần Linh cũng như các bí tích ban sự sống mới cho chúng ta cùng với của dưỡng nuôi để bảo trì sự sống này.
Thánh Gioan Chryôtômô, khi dẫn giải câu Phúc Âm Thánh Gioan về “máu cùng nước chảy ra” (19:34) từ cạnh sườn Người, đã nhắc nhở chúng ta khi nói: “phép rửa và các mầu nhiệm (tức Thánh Thể) được biểu hiệu nơi máu và nước này”. Rồi ngài kết luận: “Anh em có thấy cách Chúa Kitô hiệp nhất vị hiền thê của Người với Người như thế nào chăng? Anh em có thấy Người đã nuôi dưỡng tất cả chúng ta bằng thứ lương thực nào chăng? Chúng ta được hình thành và nuôi dưỡng bằng cùng một lương thực. Như người đàn bà nuôi dưỡng đứa con của bà bằng máu và sữa của bà thế nào, chính Chúa Kitô cũng tiếp tục nuôi dưỡng những ai Người đã hạ sinh bằng máu của Người như vậy” (Bài Giảng III cho những người dự tòng, 16-19 passim: SC 50 bis, 160-162).
(L’ Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 2/5/2001)
ĐTC Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ)