(x. SGLC từ 1136 đến 1209)
“Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh…. Nhưng muốn thâu đạt được hiểu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp với tâm trí mình, với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ơn sủng đó cách vô ích”. (PV 10.11)
I. Ai Cử Hành
Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Ngài (PV 7). Có những chi thể đang được chung hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa, ở đó, các ngài cử hành Phụng vụ Thiên quốc nhờ Chúa Kitô “đang ngự bên hữu Thiên Chúa như thừa tác viên của Cung Thánh, của Nhà Trạm đích thực” (PV 7). Còn Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm mến trước Phụng vu Thiên quốc, nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa. Vì Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô toàn thể, nên sinh hoạt phụng vụ không phải là sinh hoạt riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh. Cũng chính vì thế, Hội Thánh khuyến khích việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành đơn độc, và có vẻ riêng tư (PV 26-27). Cộng đoàn cử hành phụng vụ là cộng đoàn những người đã được rửa tội và được chia sẻ chức năng tư tế của Chúa Kitô (GH 10). Tuy nhiên khi cử hành, không phải ai cũng có chức năng như nhau. Các Giám mục, Linh mục và phó tế là những người được tuyển chọn và thánh hiến qua Bí tích Truyền Chức Thánh; vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu, để phục vụ cho mọi chi thể. Ngoài ra, còn có các thừa tác vụ khác: đọc sách, dẫn giải, giúp lễ, ca đoàn. Tất cả mọi người “chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực của mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ” (28).
II. Cử Hành Thế Nào
- Dấu chỉ và biểu tượng
Dấu chỉ và biểu tượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt của con người. Vì vừa có tinh thần, vừa có thể xác, con người diễn tả nội dung tinh thần qua những dấu hiệu của thân xác và vật chất. Đồng thời những dấu hiệu đó còn là phương thế để con người trao đổi, giao tiếp với tha nhân. Khi Thiên Chúa nói với con người, Ngài cũng nói qua các tạo vật hữu hình. Qua thế giới vật chất, con người nhận ra quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Cũng vì thế, những thực tại vật chất có thể trở thành phương thế diễn tả hoạt động của Thiên Chúa thánh hóa con người: dội nước, xức dầu, bẻ bánh. Trong Cựu Ước, dân Chúa lãnh nhận từ Thiên Chúa những dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt, diễn tả giao ước cũng như kÿ công của Thiên Chúa. Có thể nhắc đến những dấu chỉ và biểu tượng: cắt bì, xức dầu, đặt tay, hiến lễ, và đặc biệt là lễ Vượt Qua. Khi Chúa Kitô đến, Ngài đã dùng những hình ảnh trong sinh hoạt đời thường của con người, để giúp họ hiểu về Nước Trời; Ngài đã thực hiện các phép lạ qua những cử chỉ biểu tượng và dấu chỉ thể lý. Đồng thời Ngài mang lại ý nghĩa mới cho những dấu chỉ thời Cựu ước. Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện công cuộc thánh hóa ngang qua các dấu chỉ Bí tích. Các dấu chỉ này được lấy ra từ sinh hoạt thiên nhiên và đời sống xã hội cũng như từ Cựu Ước, nhưng Hội Thánh thanh tẩy chúng để diễn tả và hiện tại hóa công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.
- Lời và hành động
Cử hành Bí tích là thực hiện cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa là Cha, và chúng ta là con cái. Cuộc gặp gỡ và đối thoại ấy được thể hiện qua lời nói và hành động. Vì thế, trong cử hành Bí tích, phụng vụ Lời Chúa và những cử chỉ gắn liền với nhau: lời diễn tả ý nghĩa của hành động, và hành động thực hiện nội dung của lời. Để nuôi dưỡng đức tin của tín hữu, cần nhấn mạnh đến những dấu chỉ kèm theo việc công bố Lời như: Rước sách Lời Chúa, Nơi công bố Lời, bài giảng của chủ tế, lời đáp trả của cộng đoàn.
- Thánh nhạc trong Phụng vụ
Ngay từ trong Cựu Ước, cử hành Phụng vụ đã gắn liền với việc hát Thánh vịnh, cùng với nhạc khí kèm theo; và Hội Thánh tiếp nối truyền thống tốt đẹp này. Để thực hiện đúng chức năng của mình, Thánh nhạc phải hội đủ ba yếu tố cần thiết: giúp phát triển lời cầu nguyện, cổ võ sự đồng thanh nhất trí của cộng đoàn, và làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng (PV 112). Hội Thánh cũng khuyến khích việc đưa âm nhạc truyền thống của mỗi dân tộc vào cử hành phụng vụ, và nhờ đó cử hành phụng vụ sẽ sinh động và ích lợi hơn. “Phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó địa vị thích hợp; đồng thời đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào Phụng vu (PV 119).
- Ảnh tượng
Mục đích của ảnh tượng là để trình bày Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, và sứ điệp Tin Mừng của Ngài. Những ảnh tượng tôn kính Mẹ Maria và các Thánh cũng qui về mục đích ấy. Chiêm ngắm ảnh tượng cùng với suy gẫm Lời Chúa và hát thánh thi phụng vụ, tất cả tạo nên sự hài hòa nhằm đưa mầu nhiệm được cử hành vào sâu trong tâm khảm người tín hữu, để rồi được diễn đạt ra trong cuộc sống hằng ngày.
III. Cử Hành Khi Nào
- Mùa Phụng vụ
Ngay từ thời Cựu ước, dân Chúa đã có những ngày lễ cố định hằng năm để tưởng nhớ và tạ ơn Chúa vì những kÿ công Ngài thực hiện; đồng thời giáo huấn các thế hệ sau. Hội Thánh hôm nay cũng cử hành phụng vụ vào những ngày cố định để tôn vinh mầu nhiệm Chúa Kitô, nhờ đó “Hội Thánh rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn Ơn Cứu Chuộc” (PV 102).
- Chúa Nhật
Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh. Vì Chúa Nhật có tầm quan trọng đặc biệt nên “phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc” (PV 106). Tâm điểm của Chúa Nhật là Thánh lễ “Trong ngày đó, các tín hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống lại và vinh quang của Đức Giêsu; đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã dùng sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô từ trong cõi chết, mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (PV 106).
- Năm Phụng vụ
Lễ Phục Sinh là cao điểm của năm Phụng Vụ, trong đó Hội Thánh cử hành hết sức trọng thể mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, cùng với cuộc thương khó hồng phúc của Ngài. Ngoài ra, Hội Thánh còn “trình bày trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kÿ một năm, từ Nhập thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến” (PV 102).
Như vậy, mỗi năm Phụng vụ, theo thứ tự, người tín hữu sẽ đi qua các Mùa:
- Mùa Vọng
- Mùa Giáng Sinh
- Mùa Chay
- Mùa Phục Sinh
- Mùa Thường Niên.
Ngoài ra, trong Năm Phụng vụ, Hội Thánh còn “tôn vinh Đức Maria vinh hiển – Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly”. Đồng thời Hội Thánh cũng kính nhớ các Thánh Tử Đạo và các Thánh khác; qua đó, Hội Thánh công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các ngài và trình bày cho các tín hữu những gương mẫu tuyệt vời, lôi kéo họ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô (PV 103-104).
- Phụng vụ các giờ kinh
Kinh Nhật tụng là tiếng nói của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể Nhiệm thể công cộng ngợi khen Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới (PV 83-99). Đồng thời Kinh Nhật tụng còn nhằm mục đích thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa (PV 84), và là nguồn đạo đức, của ăn cho kinh nguyện riêng tư. Vì thế, Kinh Nhật tụng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh. Để việc cử hành phụng vụ các giờ kinh mang lại kết quả phong phú, không những người đọc cần hòa hợp tâm trí với lời mình đọc, mà còn phải trau dồi kiến thức về phụng vụ và Kinh Thánh, nhất là về các Thánh Vịnh (PV 90).
IV. Cử Hành Ơû Đâu
“Việc thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (Ga,4,24) không bắt buộc phải gắn bó với nơi chốn cố định nào. Vì chính Thân Mình Chúa Kitô Phục Sinh là đền thờ thiêng liêng, tuôn chảy dòng nước ban sự sống, nên khi các tín hữu tụ họp lại, liên kết với Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, họ trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa (x. 2Cr. 6,16). Tuy nhiên, khi hoàn cảnh cho phép, người tín hữu xây dựng các nhà thờ làm nơi thờ phượng. Nhà thờ là Nhà Cầu Nguyện, là nơi ở của Chúa, cụ thể hóa hình ảnh của Hội Thánh đang hiện diện nơi đó, và chính nơi đó Chúa Kitô hiện diện và hành động để cứu độ con người. Cuối cùng, nhà thờ mang ý nghĩa cánh chung. Nhà thờ là biểu trưng cho nhà Cha trên trời mà chúng ta đang đi tới. Bước qua ngưỡng cửa để vào bên trong, nhà thờ là biểu tượng cho việc đi từ thế giới tội lỗi mà vào đời sống mới. Vì thế, nhà thờ là nhà của mọi con cái Thiên Chúa, luôn luôn rộng mở và chào đón mọi người.
V. Sống Tâm Tình Phụng Vụ
- “Các hoạt động phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư, nhưng là cử hành của Hội Thánh… phải quí chuộng việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư” (PV 26,27) Như thế mỗi khi cử hành phụng vụ, cụ thể nhất là phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta cần tham dự thật tích cực, bằng lời kinh, tiếng hát, những câu tung hô và cả những cử chỉ bên ngoài; để diễn tả ý nghĩa cộng đoàn của cử hành phụng vụ.
- Thiên Chúa vẫn đến với ta qua những dấu chỉ. Hầu hết các gia đình công giáo đều trưng bày ảnh tượng Thánh trong nhà, để nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Chúa. Hơn thế nữa, nếu chúng ta nhậy bén, có thể nhận ra Chúa đang hiện diện qua nhiều dấu chỉ khác của đời thường: từ phong cảnh thiên nhiên đến nụ cười của trẻ thơ, nỗi đau của người nghèo… Tất cả đều có thể nhắc nhở ta về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa.