(x. SGLC từ 0571 đến 0628).
“Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kÿ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Mầu nhiệm Vượt Qua (Tử nạn và Phục Sinh) của Đức Giêsu là đỉnh cao trong công trình cứu độ của Thiên Chúa “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Vì thế, người tín hữu Kitô phải quan tâm tìm hiểu và suy niệm về khung cảnh lịch sử đã dẫn đến cái chết của Đức Giêsu, vừa lắng nghe Lời Thiên Chúa để khám phá ý nghĩa của cái chết đó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
I. Tìm về khung cảnh lịch sử
Cái chết của Đức Giêsu không phải là chuyện đột xuất, bất ngờ, nhưng là cao điểm của cuộc đối kháng kéo dài giữa Đức Giêsu và những thủ lãnh tôn giáo Do Thái đương thời: các thượng tế, tư tế, kinh sư và biệt phái. Có thể nhìn cuộc đối kháng đó ở ba khía cạnh:
- 1. Đối với Lề Luật.
Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã tuyên bố “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Ngài kiện toàn Lề Luật vì Ngài “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mt 7,29), như Đấng có quyền ban bố lề luật chứ không chỉ là những điều khoản ghi khắc trên “bia đá” mà là “bia lòng”. Chính vì thế, Ngài chống đối, phê phán và tố giác những hình thức nệ luật và coi đó như sự phản bội Ý muốn của Thiên Chúa (x.Mc 7,13). Nhưng cũng vì thế, mối quan hệ giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo trở nên căng thẳng.
- 2. Đối với đền thờ.
Đức Giêsu dành cho Đền thánh Giêrusalem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Ngài đã được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa (x.Lc 2,22-31). Nơi đó, Ngài đã đến hằng năm, trong suốt thời gian sống tại Na-gia-rét (x.Lc 2,41). Cả cuộc sống rao giảng của Đức Giêsu cũng bắt nhịp với những lần hành hương về Đền Thánh. Hơn thế nữa, Ngài coi Đền thánh là nhà của CHA, nhà cầu nguyện. Vì thế, Ngài không thể chấp nhận sự lạm dụng đền thờ, biến đền thờ thành nơi buôn bán, hang trộm cướp (x.Mt 21,13). Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã loan báo đền thờ sẽ bị phá hủy, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào (x.Mt 24,1-2) với ý nghĩa: Thời cuối cùng đã đến, nhưng lời tiên báo ấy đã bị xuyên tạc và trở thành lời tố cáo Đức Giêsu để lên án tử hình cho Ngài. (x.Mc 14,58).
- 3. Đối với niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đấng Cứu Độ.
Trong khi rao giảng, Đức Giêsu loan báo Thiên Chúa là CHA, một vị Thiên Chúa khác xa với hình ảnh Thiên Chúa mà nhiều người đạo đức thời đó tin tưởng. Ngài loan báo Thiên Chúa bằng lời rao giảng và bằng cả cách sống của Ngài. Thay vì xa cách người tội lỗi và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Đức Giêsu lại tìm đến với họ để chia sẻ, nâng đỡ và an ủi như Ngài xác quyết “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn tỏ mình là Đấng Cứu Độ, đặc biệt khi Ngài thực thi quyền tha tội (Mc 2,5), quyền chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa (Mc 2,7). Đối với các thủ lãnh tôn giáo đương thời, hành động đó của Đức Giêsu bị kết án là phạm thượng và sự đối kháng giữa Ngài với họ càng lúc càng gia tăng (Ga 5,18). Tóm lại, sự đối kháng giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo đã gia tăng theo thời gian, cho đến cao điểm là bản án tử hình dành cho Ngài. Họ đã quyết định thủ tiêu Ngài vì “không hiểu biết” (Lc 23,34) vì “cứng lòng” và “bất tín” (Mc 3,5).
II. Ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu trong chương trình của Thiên Chúa.
- 1. Vụ án Đức Giêsu.
Vụ án Đức Giêsu là vụ án phức tạp về mặt lịch sử. Không phải tất cả mọi thành phần lãnh đạo tôn giáo đều nhất trí thủ tiêu Ngài. Cũng có “nhiều kẻ tin vào Ngài” (x.Ga 12,42). Tuy nhiên, những người cực đoan đã thắng: Biệt phái đe dọa trục xuất tất cả những ai theo Đức Giêsu (x.Ga 9,22). Caipha đưa ra lý do biện minh “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Cuối cùng, họ đã dùng bàn tay của đế quốc Rôma để sát hại Đức Giêsu dưới một tội danh chính trị (x.Ga 19,12). Tuy nhiên, người tín hữu Kitô không thể qui trách nhiệm sát hại Đức Giêsu cho toàn dân Do Thái, vì chính Đức Giêsu đã tha thứ cho họ (Lc 23,34) và Hội Thánh hôm nay xác quyết “Mặc dầu quyết định của chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể qui trách cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Đức Giêsu bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như người Do Thái hôm nay” (NK 4). Đúng hơn, người Kitô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận: chính mình có trách nhiệm trong cái chết của Đức Giêsu, như thánh Phanxicô Assisi đã nói thật tha thiết “Không phải quỷ ma đóng đinh Ngài, nhưng chính anh em đã và vẫn đang đóng đinh Ngài, khi anh em đắm chìm trong tội lỗi và nết xấu của anh em”.
- 2. Cái chết cứu độ trong chương trình của Thiên Chúa.
Cái chết của Đức Giêsu không chỉ là chuyện ngẫu nhiên, tình cờ nhưng nằm trong “kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2,23). Kế hoạch ấy đã được Kinh Thánh tiên báo, đặc biệt là lời ngôn sứ Isaia viết về Người Tôi tớ đau khổ. (x. Is 53, 7-8; Cv 8,32-35). Khi sống lại từ cõi chết, chính Đức Giêsu đã dùng Kinh Thánh mà dẫn giải cho các môn đệ hiểu về cái chết của Ngài (x.Lc 24,45-46) và thánh Phaolô lập lại lời tuyên xưng đức tin “Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3). Chương trình ấy là chương trình yêu thương và cứu độ “Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10). Vì yêu thương, “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32) và “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21); nhưng chính nhờ cái chết của Chúa Kitô, “chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa” (Rm 5,10), được nên công chính.
- 3. Chúa Kitô dâng mình cho Thiên Chúa Cha.
Toàn bộ cuộc sống Đức Giêsu là một hiến tế dâng lên Thiên Chúa Cha, hiến tế của tình yêu vâng phục đối với Cha, cũng là tình yêu cứu độ con người. Khi đến trong cuộc đời nầy, Ngài đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x.Dt 10,5-10) và trọn cả cuộc sống được định hướng bằng Thánh Ý của Cha đến nỗi Đức Giêsu nói “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Đứng trước cuộc khổ nạn đau thương, nếu một đàng, Đức Giêsu cảm thấy kinh hãi trước khổ đau nên kêu lên “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy” thì ngay sau đó, Ngài lại thưa “nhưng chính vì giờ nầy mà Con đã đến” (Ga 12,27) và “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý của Cha, vâng phục không vì ép buộc nhưng với tất cả tự do “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Chính vì thế, trong khổ đau và cái chết, nhân tính Đức Giêsu trở thành khí cụ tự do và tuyệt hảo để Thiên Chúa tỏ bày tình yêu cứu độ cho thế gian. Tình yêu vâng phục ấy vươn tới đỉnh cao trong những ngày cuối đời của Chúa Cứu Thế. Vào đêm Người bị trao nộp. Đức Giêsu đã biến bữa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm hiến tế Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha để cứu độ loài người “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em… Đây là Máu Thầy, Máu để lập ra Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 39) nhưng vẫn đón nhận trong tâm tình vâng phục “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha”. Chính tình yêu đi đến tận cùng ấy (x.Ga 13,1) đã làm cho hiến tế của Chúa Kitô mang giá trị cứu chuộc và đền tội cho tất cả chúng ta.
- 4. Để cứu chúng ta khỏi tội.
Tại sao những đau khổ và cái chết của một người lại có thể cứu chuộc tất cả chúng ta? Đó là một câu hỏi thường được đặt ra. Phải quan tâm đến ý niệm của Kinh Thánh về sự liên đới tập thể. Bốn bài ca về Người Tôi Tớ của Isaia (42, 1-4; 49;, 1-6; 50,4-9; 52,13-53, 12) trình bày hình ảnh Người Tôi Tớ được Thiên Chúa chọn để “hiến mạng sống làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Qua đau khổ, Người Tôi Tớ sẽ công chính hóa nhiều người và sẽ mang lấy tội lỗi của họ. Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh đã lấy lại những lời nầy để nói về Chúa Kitô, và những đau khổ Ngài chịu vì chúng ta. “Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra, Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngã. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta”. (Is 53,4-6). Thánh Phaolô đã dùng nguyên tắc liên đới tập thể để giải thích về tội lỗi của loài người và về ơn cứu độ chúng ta trong Chúa Kitô: “Vì một người duy nhất (Ađam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn đến mọi người… thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy” (Rm 5,12-15). Không ai trong cuộc đời nầy – dù là người thánh thiện nhất – lại có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và đền thay cho họ. Nhưng Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người. Đấng vượt trên loài người, đồng thời ôm lấy mọi người trong nhân tính của Ngài và là Đầu của cả nhân loại, chỉ một mình Ngài có thể cứu độ mọi người. Hiến tế của Chúa Kitô là hiến tế cứu độ duy nhất và quyết định.
- 5. Và sự cộng tác của chúng ta.
Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta (x.1 Cr 15,3). Nhưng ơn cứu độ của Ngài không biến ta thành những kẻ lãnh nhận cách thụ động, như Thánh Phêrô nói “Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài… ” (1 Pr 2,24). Như vậy, người tín hữu phải cộng tác với Chúa Kitô bằng cách dõi bước theo Ngài trong cuộc sống công chính. (x. Pr 2,24). Hơn thế nữa, người tín hữu được mời gọi chia sẻ hiến tế của Chúa Kitô. Ngài đã hành động thay cho ta, đã chết vì ta ngay khi ta còn là tội nhân (x.ra 5,8), nhưng hy tế cao cả của Ngài không làm cho hy tế của chúng ta thành vô ích, trái lại, làm cho chúng trở thành những thực tại cứu độ. Chính vì thế, đối với thánh Phaolô, nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, có nghĩa là chia sẻ những đau khổ với Ngài “Vấn đề là được biết chính Chúa Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người, trong cái chết của Người” (Pl 3,10). Và ngài hãnh diện mà nói “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Mỗi người tín hữu cũng được mời gọi để mang lấy trong cuộc đời những tâm tình như thế của vị Tông Đồ dân ngoại.
III. Chúa Kitô xuống ngục tổ tông.
Gắn với cuộc khổ nạn và cái chết cứu độ của Chúa Kitô, người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính “Ngài xuống ngục tổ tông”.
Ý nghĩa đầu tiên có thể chỉ là chứng thực Ngài đã chết thực sự. Chúa Kitô đã trải qua thử thách cuối cùng của loài người là cái chết (SGLC 632).
Tuy nhiên, lời tuyên xưng còn bao hàm một ý nghĩa khác nữa, đó là công cuộc cứu độ của Chúa Kitô dành cho người công chính đã chết trước khi Ngài đến (SGLC 633). Thánh Phêrô nói đến việc “Chúa Kitô đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1 Pr 3,19) và bài đọc các giờ Kinh phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh diễn tả “Hôm nay khắp trái đất đều im lặng. Trái đất kinh sợ rồi im hơi vì Thiên Chúa đang nghĩ yên trong xác thịt và đánh thức những kẻ ngủ mê từ muôn thế hệ chuỗi dậy”.
Ý nghĩa thứ ba của việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông là lời xác quyết: Tất cả mọi người được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, mà hiệu quả không bị giới hạn trong thời gian và không gian (SGLC 634-635). Đây là giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ cứu thế của Chúa Kitô: Công trình cứu độ của Ngài trải rộng ra cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Từ bây giờ trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh nắm giữ “chìa khóa Địa ngục và cõi chết” và “Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quÿ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA!” (Pl 2,10-11).