Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 15: ĐỨC GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI

Bài 15: ĐỨC GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI

(x. SGLC từ 0638 đến 0664).

“Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại” (Cv 13,32-33). “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Đối với Kitô giáo, Đức Giêsu Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của Đức Tin, và là tâm điểm đời sống người tín hữu, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng Đức Giêsu Phục Sinh có thực là biến cố lịch sử không? Tại sao biến cố ấy lại là nền tảng cho đức tin? Và nếu Đức Giêsu đã sống lại lên trời, Ngài có còn liên hệ đến tôi trong cuộc sống hôm nay không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và thúc đẩy chúng ta suy niệm mầu nhiệm nầy trong ánh sáng Lời Chúa.

 

I. Đức Giêsu Phục Sinh: Biến cố lịch sử và siêu việt.

  • 1. Biến cố lịch sử:

Đức Giêsu sống lại từ cõi chết là biến cố có thật, với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Hai yếu tố cần được quan tâm là sự kiện mồ trống và những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

Yếu tố đầu tiên là NGÔI MỘ TRỐNG (x.Ga 20; 5-7). Ở tự nó, sự kiện nầy chưa phải là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa sống lại, vì người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích khác (x. Mt 28, 11-15). Tuy nhiên sự kiện nầy đã là dấu chỉ quan trọng, là bước đầu dẫn các môn đệ đến chỗ nhìn nhận Chúa đã sống lại. Thánh Gioan viết: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8); nghĩa là ông đã thấy ngôi mộ trống và việc đó đã dẫn ông đến chỗ tin rằng Thầy Mình đã sống lại.

Yếu tố thứ hai là NHỮNG LẦN HIỆN RA của Đấng Phục Sinh. Khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã hiện ra với nhiều người: trước hết là bà Maria Mađalêna và các phụ nữ ra mồ từ sáng sớm để hoàn tất việc ướp xác Chúa Giêsu; sau nữa là thánh Phêrô và cả Nhóm Mười Hai. Ngoài ra, thánh Phaolô còn cho biết Đức Giêsu “đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt. Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ” (1 Cr 15,6-7). Với những chứng từ nầy, chúng ta có thể khẳng định Đức Giêsu đã sống lại thực sự và đây là biến cố có nền tảng vững chắc. Chính các môn đệ đã không dễ dàng tin vào việc Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, đến nỗi Đức Giêsu đã “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16,14). Nhưng cuối cùng các ông đã tin và mạnh dạn làm chứng cho niềm tin của mình. Niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng như của chúng ta hôm nay được xây dựng trên lời chứng của các ngài, những “chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô” (x. Cv 1,22).

  • 2. Biến cố siêu việt:

Đức Giêsu đã sống lại. Đó là sự kiện lịch sử nhưng đồng thời cũng là biến cố siêu việt, là mầu nhiệm đức tin vượt trên lịch sử. Đức Giêsu sống lại không có nghĩa là Ngài trở lại với cuộc sống trần thế như cũ, để rồi một ngày nào đó lại chết thêm một lần nữa, như con trai bà góa Naim, con gái ông Zairô, hay như Lazarô. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô hoàn toàn khác: Ngài đã ngang qua sự chết mà bước vào cõi hằng sống, vượt trên không gian và thời gian; thần xác Ngài là thân xác tràn ngập quyền năng Thánh Thần, và được chia sẻ sự sống thần linh. Chính vì thế, khi hiện ra với các môn đệ, một đàng Đức Giêsu vẫn có thể đến trong thân xác cũ, với dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (x. Ga 20, 20; 21,9, 13-15); nhưng đàng khác, thân xác ấy lại mang những đặc tính mới; không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, vì Ngài có thể hiện ra lúc nào và thế nào như Ngài muốn, cũng như Ngài có thể hiện ra với nhiều dáng vẻ khác nhau (x. Mc 16,12; Ga 20,14-16). Như vậy sự Phục Sinh của Chúa Kitô vừa là biến cố lịch sử, vừa là biến cố siêu việt. Một đàng các chứng nhân đã đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh; nhưng đàng khác không ai tận mắt chứng kiến và cũng không thánh sử nào mô tả cảnh Chúa sống lại. Một đàng phục sinh là sự kiện mang tính lịch sử; nhưng đàng khác phục sinh vẫn là mầu nhiệm đức tin, vượt trên mọi giới hạn của lịch sử.

II. Tầm vóc Cứu Độ của mầu nhiệm Phục sinh.

Chúa Kitô đã sống lại. Nhưng việc sống lại này không chỉ là công việc của Chúa Kitô, mà là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động, đồng thời biểu lộ tính cách riêng biệt của mình. Phục Sinh được thực hiện trước hết do quyền năng của Chúa Cha (x. Cv 2,24); qua đó Ngài đưa trọn nhân tính của Chúa Kitô vào trong mối hiệp thông hoàn hảo của Ba Ngôi. Chúa Cha thực hiện công trình này qua tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, thánh Phaolô nói rằng Đức Giêsu được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thánh Thần, do việc Ngài từ cõi chết sống lại (x.ra 1,3-4). Về phần Chúa Con, Ngài sống lại vì chính Ngài là Thiên Chúa Quyền Năng, như Ngài đã nói: “Tôi hy sinh mạng sống để rồi lấy lại… Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 1,17-18). Như vậy Phục Sinh là công trình của Ba Ngôi, và là sự can thiệp siêu việt của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Chính vì thế, Mầu Nhiệm Phục Sinh chứa đựng tầm vóc cứu độ lớn lao cho toàn thể nhân loại:

  • 1. Phục Sinh xác nhận Thiên Tính thật của Đức Giêsu: Phục Sinh chứng tỏ rằng Đấng chịu đóng đinh chính là Đấng Hằng Hữu, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Vì Phục Sinh xác nhận Đức Giêsu là chính Thiên Chúa, nên Phục Sinh cũng xác nhận tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và đã dạy là Chân Lý Cứu Độ, vì Ngài giảng dạy với thẩm quyền của Thiên Chúa. Đồng thời khi sống lại, Đức Giêsu đã hoàn tất mọi lời hứa trong Cựu Ước cũng như của chính Ngài. Vì thế, các thánh sử hay dùng thuật ngữ: “đúng theo Kinh Thánh” (x. 1Cr 15,3-4).
  • 2. Phục Sinh ban tặng cho ta đời sống mới: “Như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới là chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra, và được thông phần lại vào ơn thánh sủng, nghĩa là ta được công chính hóa. Đồng thời đời sống mới hoàn toàn tất ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa, và làm anh em của Chúa Kitô, không do bản tính tự nhiên của ta, nhưng do hiệu quả của ân sủng Thiên Chúa.
  • 3. Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của ta. “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Trong lúc đợi chờ sự hoàn tất đó, Đức Giêsu sống trong lòng mọi tín hữu, khiến họ “không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).

III. Đức Giêsu lên trời và Đấng Trung gian.

Đức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại và lên trời. Khi sống lại, Ngài đã nói với Maria Mađalê: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Vì thế, ba biến cố: tử nạn, sống lại và lên trời của Đức Giêsu không thể tách biệt nhau, nhưng liên kết chặt chẽ trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Phêrô đã tuyên bố điều đó: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà chết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người sống lại, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lĩnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội”. (Cv 5,30-31). Đức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài tham dự vào quyền năng và chính uy quyền của Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đức Chúa, vì thế Ngài nắm mọi quyền hành trên trời và dưới đất, vì Chúa Cha “đã đặt mọi sự dưới chân Ngài” (Ep 1,20-22). Như thế, Ngài là Chúa của vũ trụ và của toàn thể lịch sử (x.Ep 1,10). Đức Giêsu lên trời và được tôn vinh sau khi đã chu toàn sứ mạng của mình, là một biến cố cứu chúng ta. Vì Ngài đã gửi Thánh Thần đến là Đấng bảo trợ chúng ta: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em… Thầy gửi Đấng Bảo Trợ đến cho anh em”. (Ga 16,17). Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng không xa cách Hội Thánh, xa cách chúng ta, vì Ngài hiện diện sống động hơn nhờ sức mạnh của Thánh Thần, để nâng đỡ… soi sáng, dạy dỗ và làm sáng tỏ những gì Ngài đã nói, và đã làm khi còn sống ở trần gian. Đức Giêsu là Đức Chúa, cũng là Đầu của Hội Thánh. Hội Thánh là Thân Thể của Ngài. Nên khi lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha, Đức Giêsu vẫn luôn thi hành chức tư tế của Ngài để cầu bầu, và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, như thánh Phaolô đã nói: “Ai sẽ kết án họ, chẳng lẽ Đức Giêsu! Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại và đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,34). Chúng ta là chi thể của Hội Thánh, và Hội Thánh là Thân Thể của Đức Giêsu, Đức Giêsu đã lên trời, và trong niềm hy vọng, chúng ta là chi thể của Ngài, sẽ bước vào trong nước Vinh Quang của Ngài, như lời Hội Thánh hằng tuyên xưng: “Đức Giêsu là Vua Vinh Hiển! Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết… lên trời và Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người… không phải lìa xa chúng tôi, là những kẻ yếu hèn, nhưng để chúng tôi là những chi thể của Người được tin tưởng theo Người, đến nơi mà chính Người là Đầu, và là nguyên thủy chúng tôi, đã đi trước chúng tôi” (Kinh Tiền Tụng Thăng Thiên I).

IV. Sống mầu nhiệm Phục Sinh.

  1. Phụng vụ đêm vọng Phục Sinh được cử hành hằng năm, diễn tả nội dung của Mầu Nhiệm cách sâu sắc và sống động. Ngọn nến Phục Sinh được thắp lên, tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian. Và ánh sáng cho mỗi người chúng ta đang bước đi trong tăm tối. Ngọn nến ấy sẽ được nhúng vào nước rồi lấy ra, tượng trưng cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Rồi sau đó, chính dòng nước ấy sẽ đổ lên đầu những người chịu phép Rửa Tội, để nhờ Chúa Kitô, họ được đời sống mới. Dù đã được rửa tội rồi, ta cần tham dự nghi thức ấy với tất cả ý thức được tin và làm sống lại ơn Chúa khi ta được rửa tội.
  2. Chúa Kitô sống lại trở thành Đấng Hằng Sống, và Đấng Đang Sống. Vì Ngài vẫn đang sống nên ta có thể gặp gỡ Ngài. Gặp gỡ Ngài trong cử hành Bí Tích, vì chính Chúa Kitô đang hành động trong Bí Tích. Gặp gỡ Ngài khi đọc và suy niệm Lời Chúa, vì chính Ngài đang giải thích Kinh Thánh cho ta (x.Lc 24,27). Gặp gỡ Ngài nơi anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khó và đau khổ, vì Ngài đang ở trong họ, và tự đồng hóa với họ (x. Mt 25,40).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC