Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 20: TỔ CHỨC HỘI THÁNH

Bài 20: TỔ CHỨC HỘI THÁNH

(x. SGLC từ 0871 đến 0933).

“Để chăn dắt và phát triển dân Thiên Chúa luôn mãi. Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Hội Thánh, hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình” (GH 18).

 

I. Các Thành Phần Trong Hội Thánh

Hội Thánh vừa thiêng liêng vừa hữu hình, phần hữu hình ai cũng có thể thấy được. Đó là một tổ chức, nghĩa là một tập hợp người, có những chức năng nhất định, với cơ cấu và phương thức hoạt động vì những quyền lợi chung, và nhằm một mục đích chung. Trong tổ chức Hội Thánh mọi người đều được gọi là Kitô hữu hay tín hữu. “Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo điều kiện của mình” (GH 31).

“Giữa các tín hữu có các thừa tác viên có chức Thánh được gọi là giáo sĩ, còn các người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần vừa kể, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt trong các Hội Dòng tận hiến, được gọi là tu sĩ” (Giáo Luật 207).

Tuy nhiên cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh không như các tổ chức xã hội ngoài đời “Hễ ai làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân” (Mt 20,25). Cơ cấu của Hội Thánh có Chúa Kitô là Đầu, là trung tâm điểm, còn các thành phần khác giống như những vòng tròn đồng tâm khác nhau, nhưng tất cả “đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng nầy, họ cộng tác với nhau để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô tùy theo điều kiện và chức vụ riêng từng người” (Giáo Luật 208).

II. Phẩm Trật Trong Hội Thánh

Đức Giêsu đã thiết lập cộng đoàn Mười Hai Tông Đồ và đặt thánh Phêrô đứng đầu. Các Giám Mục kế vị các Tông đồ cùng họp thành Giám mục đoàn, có Đức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô làm đầu. Đức Giáo Hoàng là giám mục Rôma “Là nguyên lý và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa đông đảo các tín hữu” (GH 23). “Vì là đấng đại diện Chúa Kitô và chủ chăn của toàn thể Hội Thánh nên ngài có quyền tròn đầy, tối cao, và phổ quát để có thể tùy ý hành xử” (GH 22).

Các Giám mục theo phần mình cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Hội Thánh ở địa phương mình. Các ngài được các linh mục và phó tế trợ giúp, Giám mục là thành viên trong Giám mục đoàn, nên không những phải điều khiển tốt Hội Thánh ở địa phương mình, mà còn phải quan tâm đến tất cả các Hội Thánh địa phương khác nữa (x. GH 23). Giám mục đoàn “Có quyền bính tối cao và tròn đầy trên toàn Hội Thánh, nhưng quyền ấy chỉ được thi hành khi có sự chấp thuận của Giám mục Rôma” (GH 22).

Các giáo sĩ gồm giám mục, linh mục và phó tế. Các ngài được chọn lựa và thiết lập để bảo đảm cho dân Thiên Chúa có các chủ chăn, và được tăng trưởng không ngừng. Các ngài nhận những tác vụ khác nhau trong Hội Thánh và trở thành thừa tác viên có chức thánh, hầu mưu ích cho toàn thân thể (x. GH 18). Vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu, nhận lãnh tác vụ và quyền bính để phục vụ như “tôi tớ của Chúa Kitô” (Rm 1,1), và thi hành tác vụ của mình trong một cộng đoàn, giám mục trong Giám mục đoàn, linh mục trong Linh mục đoàn. Sau hết mỗi vị cũng hành động với tư cách cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân trước Đấng đã kêu gọi và trao quyền cho từng vị.

III. Tác Vụ Của Giáo Sĩ

  • 1. Giảng dạy

“Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám mục. Giám mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, rao giảng cho những kẻ được trao phó cho các ngài” (GH 25). Cũng thế, “các Linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người: Phúc Âm của Thiên Chúa” (LM 4).

Đức Giáo Hoàng thủ lĩnh giám mục đoàn, được hưởng ơn vô ngộ khi lấy tư cách là chủ chăn và thầy dạy tối cao để công bố một giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung cuộc. Giám mục đoàn cũng được hưởng ơn vô ngộ khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Đồng chung, mà cả khi các ngài thông hảo với nhau và với Đấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý về đức tin và phong hóa (x.GH 25).

  • 2. Thánh Hóa

Giám mục có “trách nhiệm phân phối ơn thánh của Kitô, vị Tư Tế Tối Cao” (GH 26), đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Giám mục và linh mục thánh hóa Hội Thánh bằng kinh nguyện và việc làm, bằng thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích, bằng gương sáng “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho” (1Pr 5,3).

  • 3. Điều hành

“Các giám mục điều khiển Hội Thánh riêng biệt của mình như vị đại diện và khâm sứ của Chúa Kitô, bằng lời khuyên dạy, khích lệ, gương sáng, nhưng cũng bằng uy thế và bằng thi hành quyền thánh nữa” (GH 27). Tuy nhiên, các ngài phải thi hành quyền để xây dựng, và với tinh thần phục vụ như Thầy mình (x.Lc 22,26-27), trong sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu, dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

IV. Giáo Dân Và Sứ Mệnh

Giáo dân là toàn bộ các Kitô hữu không thuộc thành phần có chức thánh hoặc tu sĩ, họ được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hội nhập vào dân Thiên Chúa, được tham dự chức năng ngôn sứ, tư tế, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.

Giáo dân thực thi sứ mệnh của toàn Dân Chúa trong Hội Thánh và thế giới. Sứ mệnh của họ là “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong chính việc quản trị và sắp đặt các sự việc trần thế theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội… để như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới… hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ” (GH 31).

Một cách cụ thể, giáo dân:

  1. Tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô bằng việc Phúc Âm hóa, “nghĩa là loan báo Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá và bằng lời nói”. Đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong sinh hoạt nghề nghiệp và những dấn thân xã hội khác (x.GH 35). Những giáo dân có khả năng và được đào tạo còn có thể góp phần trong việc dạy giáo lý (GL 774), dạy các khoa học thánh (GL 229), và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (GL 823).
  2. Tham dự vào chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô, để làm cho “mọi hoạt động, kinh nguyện, công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, việc làm ăn thường ngày, việc giải lao cho tâm trí cũng như thể xác và mọi thử thách của cuộc sống… trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (GH 34), và hiến lễ đó được liên kết với việc dâng lên Chúa Cha. Như thế “giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình” (GH 34).
  3. Tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô, khi họ “chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, bằng một đời sống từ bỏ mình và thánh thiện” (GH 36).
  • “Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, họ phải góp sức làm cho chúng trở nên lành mạnh, phù hợp với tiêu chuẩn của đức công bình… như thế họ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người”. (GH 36).
  • “Khi họ cảm thấy ơn gọi hoặc được mời gọi cộng tác với các chủ chăn để phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, bằng cách thi hành những tác vụ khác nhau tùy theo ơn huệ và đặc sủng mà Chúa trao ban (EN 11), chẳng hạn Hội nghị giáo phận (GL 463), Hội đồng mục vụ (GL 511).
  • Khi họ biết “phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xét theo là phần tử của Hội Thánh và xét theo là phần tử của xã hội loài người. Rồi họ cố gắng hòa hợp cả hai loại quyền lợi và nghĩa vụ đó bằng cách nhớ rằng lương tâm Kitô giáo phải hướng dẫn họ trong mọi lãnh vực trần thế”(GH 36).

V. Đời Thánh Hiến

Đây là bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, nhưng cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh (x. GH 44). “Đặc điểm của đời thánh hiến chính là việc tuyên khấn ba lời khuyên trong một bậc sống cố định được Hội Thánh chấp thuận” (GH 43). Đời thánh hiến giống như một cây sinh nhiều chi nhánh xum xuê, đã phát sinh nhiều lối sống khác nhau như:

  1. Đời sống ẩn tu

Các vị ẩn tu không tuyên khấn công khai giữ ba lời khuyên, nhưng hiến dâng cuộc đời để ca tụng Thiên Chúa và cứu độ thế giới bằng việc sống tách biệt hẳn khỏi trần thế, trong thinh lặng cô tịch, trong cầu nguyện liên lĩ và hãm mình (GL 603).

  1. Các trinh nữ

Từ thời các Tông Đồ đã có các trinh nữ, là những tín hữu được Chúa mời gọi sống trọn vẹn gắn bó với Người (x.1Cr 7,34-36) để tất cả trái tim, thân xác và tinh thần được tự do hơn, họ đã quyết định sống trong bậc đồng trinh vì Nước Trời (x.Mt 19,12), quyết định được Hội Thánh chấp thuận.

  1. Đời sống dòng tu

Phát sinh từ Đông phương và những thế kỷ đầu, đời sống dòng tu khác với những hình thức sống thánh hiến ở khía cạnh phượng tự, tuyên khấn công khai giữ các khuyên Phúc Âm, sống chung với nhau trong tình huynh đệ, làm chứng về sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x.GL 607).

  1. Các tu hội đời

Là tu hội sống đời thánh hiến, trong đó các tín hữu sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời để tiến tới Đức Ái toàn hảo, và nỗ lực góp phần thánh hóa đời, nhất là từ bên trong (GL 710), theo kiểu men trong bột.

  1. Các tu đoàn Tông Đồ

Cũng là hội dòng tận hiến nhưng không có lời khấn dòng và chỉ theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn. Họ sống chung trong tình huynh đệ theo lối sống đặc thù của họ, và tiến tới Đức Ái toàn hảo bằng việc tuân giữ hiến pháp của Tu đoàn (GL 131).

Như thế, những người hiến thân cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, đã được thánh hiến nhờ bí tích Thánh Tẩy, lại được thánh hiến thâm sâu hơn để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của Hội Thánh, “nên họ có bổn phận làm việc truyền giáo đặc biệt hơn theo thể chế của họ” (GL 783). Đời thánh hiến xuất hiện như dấu chỉ đặc biệt của Mầu Nhiệm Cứu Độ, và dầu chứng tá của đời sống ấy có công khai hay kín đáo hoặc bí ẩn nữa, thì việc Chúa Kitô quang lâm vẫn là cội nguồn và là Vừng Đông cho cuộc sống thánh hiến của họ (x.GH 44).

VI. Giáo Hội Việt Nam Trong Lòng Dân Tộc

Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn đường hướng mục vụ là “Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (Thư Chung 1980). Muốn đạt mục đích đó, Giáo Hội Việt Nam phải nỗ lực để trở thành:

  1. Một cộng đoàn các tín hữu sống hiệp thông đích thực với Thiên Chúa để có thể hiệp thông với nhau chân thành hơn. Hiệp thông với nhau nhưng không đồng hóa (hòa nhi bất đồng), không kÿ thị, cục bộ, tự tư tự lợi, cá nhân chủ nghĩa; và để hiệp thông với cả vũ trụ vạn vật nữa, không lãng phí tài nguyên, không gây ô nhiễm môi sinh, không sử dụng của cải vào mục tiêu xấu. Đồng bào ta sẽ căn cứ vào sự hiệp thông như trên để nhận ra ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô (x.Ga 13,35).
  2. Một cộng đoàn hiệp thông chỉ để phục vụ cách khiêm tốn, không theo thói “thủ lãnh các dân và những người làm lớn” quen có những hình thức hách dịch, quan liêu, cửa quyền (x.Mt 20,25), nhưng theo gương Chúa Kitô luôn “hiền lành và khiêm tốn” (Mt 12,29), “không để cho người ta phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người” (Mt 20,28), nhất là phục vụ những người nghèo khổ, bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi.
  3. Một cộng đoàn hiệp thông với đông đảo anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Luôn ý thức mình chỉ là một thiểu số trong dân tộc, không thể dửng dưng, khép kín; nhưng sẵn sàng đối thoại, tôn trọng, hợp tác trong tất cả những gì ích nước lợi dân, xóa dốt giảm nghèo, xây dựng một nếp sống và lối diễn tả đức tin có bản sắc dân tộc hơn (x. Thư Chung Mục vụ 1992). Ngày nay, hiệp thông là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và là một trong những đường lối hữu hiệu nhất để phục vụ Phúc Âm (x.KHGD 64).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC