“ Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” ( Mt 28, 19-20 ).
I – NHỮNG DANH HIỆU CỦA BÍ TÍCH NÀY
1 – Tại sao có những tên gọi này ?
* Thánh tẩy hay Rửa tội đều dịch từ tiếng Hy-lạp Báp-tít (Baptizein), có nghĩa là “dìm xuống”. Đây là nghi thức chính yếu trong BT Rửa tội. Dìm xuống nước tượng trưng cho người dự tòng chịu mai táng trong cái chết của Chúa Kitô, và từ đó cùng sống lại với Người, trở thành “thụ tạo mới” (xem 2Cr 5,17 ; Galát 6, 15). / Glý #1214 /
* BT này còn được gọi là “sự tắm rửa để được tái sinh và được đổi mới trong Chúa Thánh Thần” (x.Tt 3, 5), vì nó nói lên và thực hiện sự sinh ra bởi nước và Chúa Thánh Thần và nếu không có thì “không một ai có thể vào nước Thiên Chúa” (xem Ga 3, 5). (Glý # 1215/
“Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào trong nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô-Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4).
II – BÍ TÍCH RỬA TỘI TRONG KẾ HOẠCH ƠN CỨU ĐỘ
2 – Lệnh truyền của Chúa Giêsu lập BT Rửa tội như thế nào ? “Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). (Glý # 1276)
III – NGHI THỨC CỬ HÀNH BÍ TÍCH RỬA TỘI
3 – Nghi thức chính yếu của BT Rửa tội là gì ? Nghi thức chính yếu của BT Rửa tội là dìm người dự tòng vào trong nước hoặc đổ nước trên đầu họ trong khi kêu cầu Chúa Ba Ngôi cực thánh là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Glý # 1278)
4 – Khi cử hành BT Rửa tội có những nghi thức phụ nào ?
Có những nghi thức phụ :
* Tiếp đón.
* Lời nguyện trừ tà và xức dầu dự tòng.
* Làm phép nước.
* Từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin.
* Sau khi rửa tội, chủ tế xức dầu thánh, mặc áo trắng và trao nến sáng.
IV – AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI
5 – Người lớn muốn lãnh nhận BT Rửa tội phải làm gì ? Theo Giáo luật # 865, phải làm 3 việc này :
a – Muốn lãnh nhận BT Rửa tội.
b – Học biết đầy đủ chân lý đức tin, (tuyên xưng niềm tin vào Chuá Giê-su Kitô, Đấng cứu độ duy nhất) và thi hành các nghĩa vụ Kitô giáo.
c – Được thử luyện vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng, thống hối tội lỗi của mình (xem Cv 2, 38-39 ). Thống hối là từ bỏ tội lỗi, thay đổi cách suy tư, cách hành động, cách sống cho phù hợp với Tin Mừng.
6 – Mỗi người được lãnh nhận BT Rửa tội mấy lần ?
* Bí Tích Rửa tội in vào linh hồn một dấu ấn thiêng liêng không bao giờ mất, đặc tính dấu ấn đó là thánh hiến người được rửa tội vào việc phụng thờ trong Kitô giáo. Vì đặc tính này, BT Rửa tội không thể được lặp lại. (Glý # 1280)
* Những người đã được rửa tội trong một giáo đoàn không Công giáo thì không cần Rửa tội với điều kiện là đã điều tra chất liệu và công thức dùng trong lúc ban BT Rửa tội. (xem Giáo luật # 869 triệt 2)
7 – Những ai không lãnh nhận BT Rửa tội mà được ơn cứu rỗi ? Những người chịu chết vì đức tin (tử đạo), những anh chị em dự tòng (khát mong được rửa tội = rửa tội bằng lòng muốn), và tất cả những người được ân sủng thúc đẩy, dù không biết Hội Thánh, nhưng đang tìm kiếm Chúa một cách chân thành và cố gắng chu toàn thánh ý Người theo lương tâm ăn ngay ở lành, nếu như họ biết giáo lý của Chúa họ sẽ tin theo, đều đựợc cứu rỗi cho dù họ không lãnh nhận BT Rửa tội (xem Rm 2, 12-16 ; Cv 10, 35 ). (Glý # 1281)
8 – Bí Tích Rửa tội có cần cho trẻ sơ sinh không ? Từ rất xa xưa Hội Thánh đã ban Bí Tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh, vì Bí Tích nầy là một Ân sủng và Hồng ân của Thiên Chúa. Ân sủng và Hồng ân này không bao hàm công phúc của con người. Trẻ sơ sinh được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh, gia nhập đời sống Kitô giáo là dẫn đưa tới tự do đích thực. (Glý #1282)
– Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình mới sinh được rửa tội trong những tuần lễ đầu tiên. (xem Giáo luật # 867 triệt 1)
* Giáo luật # 868 triệt 1 – Để một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp cần thiết phải :
– có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật ;
– có hy vọng vững chắc em bé sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
* Giáo luật số 868 triệt 2 – Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ Công giáo, và thậm chí không Công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
9 – Số phận các hài nhi khi chết mà không lãnh BT Rửa tội sẽ ra sao ? Về phần các trẻ nhỏ chết mà chưa Rửa tội, Phụng vụ Hội Thánh mời gọi ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và cầu nguyện cho các em được ơn cứu độ. (Glý # 1283)
V – AI CÓ THỂ LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA BT RỬA TỘI
10 – Ai là thừa tác viên của BT Rửa tội ? Thông thường Giám Mục, Linh mục và Phó tế là thừa tác viên của BT Rửa tội (xem Gluật # 861 triệt 1) Trong trường hợp khẩn cấp mọi người đều có thể rửa tội miễn là có ý hướng làm như Hội Thánh làm : vừa đổ nước trên đầu ứng viên vừa nói : “Tôi rửa (Ông, bà, anh, chị, em, con…) nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Glý #1284)
VI – SỰ CẦN THIẾT CỦA BT RỬA TỘI
11 – BT Rửa tội cần thiết như thế nào ? BT Rửa tội làm cho con người tái sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo ý Chúa, Bí tích này cần thiết cho việc cứu rỗi, cũng như cần thiết để được gia nhập vào Hội Thánh (xem Ga 3, 5). (Glý #1277)
VII – ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI
12 – Người lãnh nhận BT Rửa tội được ban những ân sủng nào ? Hoa trái hay ân sủng của BT Rửa tội là một thực tại phong phú gồm : tha tội Tổ tông, và mọi tội riêng, sinh vào đời sống mới (trở nên một tạo vật mới) nhờ đó con người trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, chi thể của Chúa Kitô, đền thờ của Đức Chúa Thánh Thần (xem 1Cr 3, 16-17 ; 6, 19). Cũng chính khi chịu BT Rửa tội người lãnh nhận BT này được gia nhập Hội Thánh, Thân Thể Chúa Kitô, và tham dự vào chức TƯ TẾ của Người (xem 1Pr 2, 5). (Glý #1279)
13 – Người lãnh nhận BT Rửa tội tham dự vào những chức năng nào của Đức Chúa Giêsu ? Người lãnh nhận BT Rửa tội tham dự vào ba chức năng của Đức Chúa Giêsu là : Tư Tế , Ngôn sứ (Tiên tri ) và Vương đế . (xem 1 Pr 2, 9). / Glý # 897; # 1268 /
* Chức năng Tư Tế : Siêng năng lãnh nhận các BT nhất là tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa. Dâng của lễ cho mình và thay cho mọi người. Cầu nguyện cho mình và cho mọi người : “Trước hết tôi xin ai nấy dâng lời cầu xin khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người” (xem 1Tm 2, 1).
– Các giáo dân tham dự chức vụ tư tế của Chúa Kitô dần dần hiệp nhất với Người, họ khai triển ơn huệ của BT Rửa tội, con Chúa, con cái sự sáng và BT Thêm sức trong tất cả các chiều kích của đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và Hội Thánh, và như thế họ thực hiện sự mời gọi nên thánh dành cho tất cả những người được rửa tội. /Glý # 941/
– BT Rửa tội ban cho người lãnh nhận dự phần vào chức tư tế chung của các tín hữu .
* Chức năng Ngôn sứ : Rao truyền Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu bằng chứng tá đời sống và bằng lời nói : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy Đấng ngự trên trời. Còn ai chối thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (xem Mt 10, 32-33).
– Nhờ sứ mạng Ngôn sứ của mình, các giáo dân “còn được kêu gọi làm chứng tá cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh ngay giữa cộng đồng nhân loại”. (Glý # 942)
* Chức năng Vương đế : Cộng tác với hàng Giáo phẩm để phục vụ Hội Thánh và phục vụ tha nhân qua môi trường sống của mình để chinh phục các linh hồn tùng phục vương quyền của Chúa. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” ( Mt 5, 14-16 ).
– Nhờ chức năng vương đế của mình, người giáo dân có quyền lực chiến thắng ách tội lỗi nơi bản thân họ và nơi thế giới bằng cách từ bỏ mình và sống đời sống thánh thiện. (Glý # 943)
14 – Nhiệm vụ và vai trò của người đỡ đầu như thế nào ?
* Gluật # 872 – … Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội ; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến chịu rửa tội rồi cùng cộng tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí tích Rửa tội.
* Gluật # 874 triệt 1 – Để được giữ vai trò đỡ đầu, cần :
– phải được chọn lựa bởi chính người sắp được rửa tội hay cha mẹ của đương sự hoặc người thế quyền cha mẹ, người được chọn phải có khả năng và chủ ý thi hành việc đỡ đầu.
– đã được 16 tuổi trọn. Phải là người Công giáo, đã chịu BT Thêm sức và BT Mình Thánh Chúa, lại có đời sống xứng hợp với đức tin và chức vụ sắp lãnh nhận.
– không mắc một hình phạt do giáo luật tuyên kết và tuyên bố hợp lệ ;
– không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội.