Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBÀI 3: CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

BÀI 3: CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

(x. SGLC từ 0074 đến 0095)

“Những gì Thiên Chúa đã mặc khải để cứu rỗi muôn dân. Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo tồn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ.” (MK 7)

 

I. Mặc khải chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các tông đồ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt. 28,19-20). Các tông đồ đã thi hành mệnh lệnh ấy cách trung thành bằng hai cách:

  1. Trước hết là bằng lời nói. Lời nói ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm “Lời giảng dạy, gương lành và các thể chế các tông đồ đã thiết lập”. Những điều đó, các Ngài “đã nhận lãnh từ Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý” (MK 7).
  2. Đồng thời, ngoài lời nói, các tông đồ còn thi hành mệnh lệnh ấy bằng văn tự “Dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, các tông đồ và những người phụ tá của các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi” (MK 7). Tiếp theo, để “Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các tông đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài” (MK 7). Nhờ đó, “những lời giảng dạy của các tông đồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh hứng, được bảo tồn và lưu truyền cho đến tận thế” (MK 8).

Sự chuyển thông sống động qua các thế hệ đó, chúng ta gọi là Thánh Truyền, phân biệt với Kinh Thánh, nhưng lại gắn bó mật thiết với Kinh Thánh. Nhờ Thánh Truyền “Hội Thánh bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (MK 8).

II. Tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Thánh Truyền và Kinh Thánh “liên kết, phối hợp mật thiết với nhau; vì cả hai phải xuất từ cùng một nguồn mạch và cùng hướng về một mục đích” (MK9). Nguồn mạch ấy là Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1. Tm. 2,4). Và mục đích ấy là để cứu độ con người.

Tuy nhiên Thánh Truyền và Kinh Thánh được phân biệt với nhau vì là hai cách lưu truyền mặc khải khác nhau. Một đàng trong Kinh Thánh “Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”. Đàng khác trong Thánh Truyền, cũng là Lời Chúa, Lời mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, rồi các tông đồ lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, nhưng Lời ấy được lưu lại bằng gương sáng, thể chế và lời rao giảng.

Cả hai “họp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa” (MK 10). Vì thế, “cả Kinh Thánh và Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quí mến và kính trọng như nhau” (MK 9).

III. Huấn Quyền

Lời Chúa được chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền là gia sản đức tin vô giá. Gia sản ấy được ủy thác cho toàn thể Hội Thánh, nghĩa là không chỉ cho hàng giáo phẩm nhưng cho tất cả Dân Thiên Chúa, trong đó “các giám mục và tín hữu hiệp nhất với nhau cách lạ lùng, cùng tuân giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền” (MK.10).

Tuy nhiên “nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động trong Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô” (MK.10). Như thế nhiệm vụ giải thích Lời Chúa được trao cho các giám mục trong mối hiệp thông với Giám Mục Rôma là Đức Giáo Hoàng. Nhiệm vụ ấy được thể hiện cách đặc biệt khi Huấn Quyền xác định những tín điều và đòi buộc mọi tín hữu phải tin. Như thế, phải chăng Huấn Quyền ở cả trên Lời Chúa? Không, Huấn Quyền “không vượt trên Lời Chúa nhưng thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Thánh Thần. Hội Thánh thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa, phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì được truyền lại mà thôi” (MK.10).

IV. Thái độ của người tín hữu.

Ngày nay, trong Hội Thánh, người ta nói đến tình trạng khủng hoảng quyền bính. Nhiều người chủ trương tin vào Chúa Kitô nhưng không chấp nhận giáo huấn của Huấn Quyền trong Hội Thánh. Người tín hữu Kitô đón giáo huấn của Huấn Quyền trong tinh thần đức tin: Tin rằng chính Chúa Thánh Thần tác động trên các tác giả viết Kinh Thánh, cũng chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong truyền thống sống động của Hội Thánh, và cũng chính Chúa Thánh Thần đang tác động trên Huấn Quyền nhằm hướng dẫn các tín hữu và cứu rỗi các linh hồn (MK.10).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC