(x. SGLC từ 1345 đến 1419)
“Điều tôi đã lãnh nhận từ Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn… đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao ước mới: mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1Cr 11, 23-27). “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Trong Thánh Lễ, Đức Giêsu dâng Mình lên Thiên Chúa Cha làm lễ vật giao hòa, và ban Mình làm lương thực nuôi sống các tín hữu. Thánh Lễ vừa là hiến tế, vừa là Tiệc Thánh.
I. Thánh Lễ Là Hiến Tế Của Chúa Kitô
Đức Giêsu đã hiến dâng chính mình trên thập giá, làm lễ tế hy sinh, để đền tội cho muôn dân, và “chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7,27). Nhưng Người muốn nối dài hiến tế thập giá trong Thánh Lễ, để liên kết chúng ta và chi thể của Người vào hiến tế độc nhất vô song của Người. Tính chất hiến tế thể hiện rõ trong những lời truyền phép: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. “Này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Lc 22, 19-20). Chúa Kitô dâng mình trên thập giá cũng chính là Chúa Kitô được Hội Thánh hiến dâng trong Thánh Lễ, nhờ thừa tác vụ Linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng: “Ngày xưa, Chúa Kitô dâng chính mình trên bàn thờ thập giá cách đẫm máu; trong Thánh Lễ, hy tế thần linh cũng là Chúa Kitô, nhưng được dâng lên không đổ máu” (DS 1743).
II. Thánh Lễ Là Bàn Tiệc Hiệp Thông
Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh. Trong Thánh lễ, Chúa Kitô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Người vào hy lễ chúc tụng và tạ ơn. Bí tích Thánh thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh, là hiệp thông vào đời sống của Thiên Chúa, và hiệp nhất dân Thiên Chúa” (Huấn thị “Mầu Nhiệm Thánh Thể” 6). Bởi vì trong Chúa Kitô “Hội Thánh là Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (GH 1). Nhờ kết hợp với Mình và Máu Chúa Kitô, tất cả mọi tín hữu trở nên một thân thể (x. 1Cr 10, 16-17). Bí tích Thánh Thể là Bí tích hiệp thông: các tín hữu hiệp thông với Chúa Kitô là Đầu, và các tín hữu hiệp thông với nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc yêu thương hiệp nhất, và nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ, chúng ta được kết hiệp với Phụng vụ trên trời, và dự trước cuộc sống vĩnh cửu.
III. Hội Thánh Dâng Thánh Lễ Vì Yù Nào
Ngay từ những ngày đầu, cộng đoàn Hội Thánh đã ý thức cử hành Thánh Lễ theo như lệnh tuyền của Chúa Kitô, bao lâu còn lữ hành trên trần thế. Vì vậy trong Thánh Lễ, Hội Thánh tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến” (Lời tung hô sau truyền phép). Hội Thánh dâng lễ vì những ý nào?
- 1. Để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa Cha
Bí tích Thánh Thể trước hết là “hy tế tạ ơn”. Trong hy tế Thánh Thể, nhờ Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, Hội Thánh tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ân huệ Người đã ban qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể còn là “hy tế ca ngợi”, vì “chính nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô”, Hội Thánh dâng lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, nhân danh toàn thể thọ sinh.
- 2. Để tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Hội Thánh
Bí tích Thánh Thể là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, hiện tại hóa và hiến dâng trong Phụng vụ của Hội Thánh là thân thể Người. Theo Kinh Thánh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại, mà còn làm cho những biến cố đã qua thành hiện tại và hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể, cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Chúa Kitô trên thập giá luôn sống động, để đem lại ơn cứu độ cho mọi người ở mọi thời đại. “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (GH 3). Đàng khác, Thánh Lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Là thân thể của Chúa Kitô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Chúa Kitô là Đầu. Trong Thánh lễ, hy tế của Chúa Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong thân thể. Toàn thể đời sống của các tín hữu: bản thân, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công ăn việc làm, đều được kết hợp với Chúa Kitô trong lễ dâng toàn hiến.
- 3. Để chuyển cầu cho các tín hữu và toàn thể nhân loại
Trong Thánh Lễ, toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Chúa Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu. Cộng đoàn Phụng vụ Thánh Thể nhắc nhở và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục giáo phận, Linh mục chủ tế cũng như mọi tín hữu. Và không phải chỉ có những tín hữu còn tại thế, mà cả những vị được hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô. Hội Thánh dâng lễ trong tâm tình kính nhớ “Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, các tông đồ và toàn thể các Thánh”. Thánh Lễ cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời, để họ chóng được vào hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Sau cùng toàn thể nhân loại, cũng như tất cả vũ trụ cũng được hưởng nhờ ơn phúc của Thánh Lễ.
VI. Thánh Lễ Có Mấy Phần
Thánh Lễ diễn tiến theo một cấu trúc cơ bản được duy trì nhiều thế kỷ cho đến nay. Thánh Lễ chia làm hai phần chính, nhưng liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, được đóng khung bằng nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.
- 1. Nghi thức đầu lễ
Cộng đoàn tín hữu tụ họp lại một nơi để cử hành Thánh Lễ. Chính Chúa Kitô triệu tập cộng đoàn, và chủ tọa buổi lễ. Đại diện hữu hình của Người là Đức Giám mục hay Linh mục chủ tọa cộng đoàn, diễn giảng các bài đọc, tiếp nhận lễ vật, và đọc kinh Tạ Ơn. Nghi thức đầu lễ bao gồm việc sám hối.
- 2. Phụng Vụ Lời Chúa
- Đọc các bài Kinh Thánh rút ra từ Cựu ước và Tân ước.
- Bài diễn giảng giúp mọi người hiểu, đón nhận và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống.
- Lời nguyện tín hữu (hay Lời nguyện chung) cầu cho mọi người (x. 1Tm 2,1-2).
- 3. Phụng vụ Thánh Thể
- Chuẩn bị lễ vật: bánh, rượu được đem lên bàn thờ, và chủ tế dâng lên Thiên Chúa, lễ vật sẽ trở thành Mình Máu Chúa Kitô. Cùng với bánh rượu, các tín hữu có thể mang theo tặng phẩm, để giúp đỡ những người túng thiếu.
- Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể): là trung tâm của cuộc cử hành Thánh Thể.
- Kinh tiền tụng: Hội Thánh tạ ơn Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, về tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Toàn thể cộng đoàn tung hô: Thánh, Thánh, Thánh.
- Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần: Hội Thánh cầu xin Chúa Thánh Thần đến, làm cho bánh rượu trở nên Mình Máu Đức Giêsu Kitô.
- Trình thuật việc lập Bí tích Thánh Thể: nhờ hiệu lực Lời và cử chỉ của Chúa Kitô, cũng như quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Kitô.
- Kinh tưởng niệm: Hội Thánh tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn, phục sinh và quang lâm của Đức Giêsu Kitô.
- Kinh chuyển cầu: hy lễ tạ ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, kẻ sống cũng như người đã qua đời. Hội Thánh địa phương cũng như Hội Thánh toàn cầu.
- Hiệp lễ: Kinh Lạy Cha và việc bẻ bánh đi trước phần Hiệp Lễ. Các tín hữu rước lễ tức là lãnh nhận chính Mình Máu Chúa Kitô, Đấng tự hiến “để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
- 4. Nghi thức kết lễ
Chủ tế ban phép lành và giải tán cộng đoàn.
V. Điều Kiện Rước Lễ
Việc cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Chúa khẩn thiết mời gọi chúng ta đón rước Người: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Hội Thánh khuyên các tín hữu có đủ điều kiện, rước lễ mỗi khi tham dự Thánh Lễ: “Nên khuyến khích tín hữu tham dự Thánh Lễ trọn vẹn hơn, qua việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa ngay trong Thánh Lễ, sau khi linh mục rước lễ” (PV 55). Hơn nữa, Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng và rước lễ mỗi năm ít là một lần vào Mùa Phục Sinh (x. G1 920).
Để chuẩn bị rước lễ cho xứng đáng, các tín hữu cần:
- Tra vấn lại lương tâm, để khỏi rước lễ cách bất xứng là lãnh án phạt (x.1Gr 11, 27-29). Nếu mắc tội trọng, phải đi xưng tội trước khi lên rước lễ.
- Khiêm tốn và tin tưởng như viên đại đi trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con…” (Mt 8,8).
- Giữ chay Thánh Thể: nghĩa là không ăn hay uống (trừ nước lã và thuốc chữa bệnh) một giờ trước khi rước lễ.
- Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui được Chúa ngự đến. Ngoài ra cần làm hòa với người khác trước khi nhận lãnh Bí tích hiệp nhất yêu thương (x. Mt 5, 23-24).
VI. Hiệu Quả Của Việc Rước Lễ
- Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô, sống nhờ Người và nên một với Người. “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57). “Bởi vì việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta nhận lãnh” (Thánh Lêô Cả) (GH26).
- Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lấy Mình của Đấng Phục sinh cũng gìn giữ, phát triển và canh tân đời sống ân sủng đã nhận lãnh trong Bí tích Thánh Tẩy. Bánh Thánh Thể dưỡng nuôi người tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế, và thành Của Ăn Đàng cho họ lúc lâm chung.
- Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi, nhờ kết hợp với Chúa Kitô, Đấng tẩy xóa tội lỗi loài người. Thánh Thể khơi dậy đức mến sống động trong tâm hồn, có thể xóa đi các tội nhẹ, và gìn giữ ta khỏi phạm tội trọng.
- Hiệp nhất các Kitô hữu trong Hội Thánh (x. GH 11). Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh; Bí tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này. Việc rước lễ kết hiệp người tín hữu với Chúa Kitô, Đấng kết hiệp tất cả các tín hữu với Chúa Kitô, Đấng kết hiệp tất cả các tín hữu thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh (x. 1Cr 10, 16-17). Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể còn là lời mời gọi khẩn thiết các tín hữu đã ly khai, hiệp nhất trong một Hội Thánh duy nhất. Thánh Âu tinh đã thốt lên: “Ôi Bí tích Tình Yêu! Dấu chỉ Hiệp Nhất! Mối dây Bác ái!”. Sau cùng việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô, đòi buộc chúng ta nhận ra Người nơi những người nghèo khổ nhất, để chăm sóc (x. Mt 25, 40).
- Bảo chứng cho vinh quang mai sau. Chúa đã long trọng hứa: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thi được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54). Vì là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, Bí tích Thánh Thể còn là tiền dự vào vinh quang thiên quốc. Trong một Kinh Nguyện cổ, Hội Thánh ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh! Chúa Kitô đã trở thành lương thực cho chúng ta: tiệc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người, ban cho ta hồng ân viên mãn, và bảo chứng cho vinh quang mai sau”.
VII. Sống Thánh Lễ Trong Cuộc Đời
- Người giáo dân Việt Nam rất siêng năng “đi lễ”, nhưng vì thiếu hiểu biết, họ chỉ “xem lễ” như khán giả xem kịch. Khi đi dâng lễ, người tín hữu không chỉ dâng Đức Giêsu lên Thiên Chúa Cha, mà còn phải liên kết với Đức Giêsu mà dâng chính mình thành của lễ, để lễ tế vô giá của Con Một Thiên Chúa, cũng trở thành lễ tế của mỗi tín hữu qua các thời đại: “Trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục, mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình” (PV 48).
- Thánh lễ là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (GH 11), nên mọi hoạt động của người Kitô hữu đều phải bắt nguồn nơi Thánh Lễ, và qui hướng về Thánh Lễ. Cuộc đời là Thánh Lễ nối dài, nghĩa là những ân phúc nhận được nơi Thánh Lễ qua Lời Chúa, qua việc kết hợp với Thánh Thể và hiệp thông với cộng đoàn, phải trở thành ánh sáng soi dẫn và sức mạnh nâng đỡ cho mọi hoạt động tôn giáo cũng như trần thế. Ngược lại, người Kitô hữu phải làm cho tất cả cuộc đời thành Thánh Lễ: Lễ Dâng Cuộc Đời! “Mọi hoạt động, Kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô (x. 1Pr 2,5), được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa, khi cử hành Phép Thánh Thể” (GH 34).