(x. SGLC từ 1420 đến 1484)
“Những ai đến lãnh nhận bí tích Hòa giải, đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời họ được giao hòa cùng Hội Thánh mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Hội Thánh hằng nỗ lực lấy Đức Ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ” (GH 11) Bí tích Hòa giải còn được gọi là Bí tích Giải tội, bí tích Cáo giải, bí tích Sám Hối. Nhưng dù tên gọi nào chăng nữa, vẫn luôn hàm chứa hai nội dung chính yếu: sự hoán cải của hối nhân và tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Tìm hiểu bí tích Hòa giải là cơ hội giúp ta khám phá tình thương của Thiên Chúa, và cảm nghiệm đó thúc đẩy ta sám hối, mỗi ngày và mọi ngày trong suốt cuộc đời.
I. Tiếng Gọi Hoán Cải
“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tiếng gọi hoán cải là thành phần thiết yếu trong lời công bố Nước Trời. Tiếng gọi ấy trước hết được gửi đến những ai chưa nhận biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Vì thế, Thánh Tẩy là bí tích tha tội và dẫn đưa ta vào đời sống mới.
Tuy nhiên, tiếng gọi ấy vẫn tiếp tục được gửi đến cho những người đã chịu Thánh Tẩy, vì kinh nghiệm cuộc sống cho thấy ta vẫn tiếp tục phạm tội sau khi đã chịu Thánh Tẩy. “Nếu ta nói rằng mình không có tội, ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1Ga 1,8). Chính Đức Giêsu cũng dạy ta cầu nguyện: “Xin Cha tha tội chúng con” (x. Lc 11,4). Bởi vì tuy bí tích Thánh Tẩy dẫn ta vào đời sống mới, nhưng không hủy diệt sự yếu đuối và hướng chiều về tội nơi con người tự nhiên. Chính vì thế, hoán cải là cả một hành trình dài và cuộc sống người tín hữu là cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi. “Hội Thánh ôm ấp những kẻ có tội trong lòng mình, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Hội Thánh luôn thực hiện việc sám hối và canh tân” (GH 8).
Sự hoán cải mà Đức Giêsu mời gọi là sự hoán cải nội tâm, hoán cải của con tim. Chỉ khi nào có sự hoán cải sâu xa đó, những việc làm bên ngoài mới có ý nghĩa: những cử chỉ, lời kinh, việc làm đền tội. Sự hoán cải ấy là sự thay đổi sâu xa hướng đi của cả cuộc đời: một đàng là buồn phiền, hối hận vì tội, và dứt khoát với cái xấu; đàng khác là quyết tâm thay đổi đời sống, trông cậy và tín thác vào Chúa. Hoán cải như thế không phải là việc dễ dàng. Vì thế, hoán cải trước hết là công việc của ân sủng Thiên Chúa. Chính Chúa nâng đỡ, để ta có thể làm lại cuộc đời. Càng khám phá tình thương của Chúa, ta càng khinh ghét tội lỗi và không muốn bị xa cách Chúa. Thánh Thần vừa là Đấng soi sáng giúp ta nhận ra con người thật và tội lỗi của mình, vừa là Đấng An ủi giúp ta ăn năn sám hối.
II. Bí Tích Hòa Giải
Tội là bẻ gãy mối hiệp thông không những với Chúa mà với cả Hội Thánh. Vì thế, ta cần được Thiên Chúa tha thứ và cần giao hòa với Hội Thánh. Ý nghĩa đó được thể hiện đầy đủ trong Bí tích Hòa giải. “Không ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7). Đúng như thế. Nhưng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội: “Tội lỗi của con đã được tha” (Mc 2,5).
Sau đó, Ngài ban cho Hội Thánh quyền tha tội nhân danh Ngài (x. Ga 20,21-23). Đồng thời trong cuộc sống trần thế, khi Đức Giêsu tha tội cho ai, Ngài cũng đưa họ hội nhập cộng đoàn dân Chúa. Vì thế, khi trao cho các quyền tha tội, Ngài cũng trao cho các ông quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh: “Các con cầm buộc ai, trên trời cũng cầm buộc. Các con cởi mở cho ai, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16,19). Hội Thánh đã thực thi quyền bính Đức Giêsu trao phó trong cử hành Bí tích Hòa giải.
Trong suốt chiều dài lịch sử, hình thức cử hành có thể thay đổi, nhưng vẫn luôn luôn giữ cơ cấu nền tảng với hai yếu tố quan trọng: một đàng là hành vi của hối nhân: thống hối, xưng tội, đền tội; đàng khác là hành động của Thiên Chúa qua Hội Thánh: Giám mục và Linh mục nhân danh Chúa mà tha tội và ra việc đền tội cho hối nhân. Công thức tha tội chứa đựng nội dung chính yếu của Bí tích: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con chúa mà giao hòa thế gian với Chúa, và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
III. Hành Vi Của Hối Nhân
- 1. Thống hối
Thống hối là buồn phiền, chê ghét tội đã phạm và dốc lòng không phạm tội nữa (x. CĐ Trentô). Người ta thường phân biệt: thống hối toàn vẹn và thống hối bất toàn. Thống hối toàn vẹn là thống hối vì lòng mến, mến Chúa trên hết mọi sự. Lòng thống hối đó khiến hối nhân được tha các tội nhẹ và tha cả tội trọng nếu cương quyết lãnh nhận Bí tích Hòa giải sớm hết sức có thể. Thống hối bất toàn là thống hối vì sợ, sợ án phạt đời đời và sợ các hình phạt khác. Lòng thống hối ấy cũng là ân huệ của Thiên Chúa, thúc đẩy hối nhân làm hòa với Chúa và Hội Thánh cách trọn vẹn trong Bí tích Hòa giải.
- 2. Xưng tội
Bằng việc xưng tội, hối nhân nhìn thẳng vào tội lỗi của mình, nhận trách nhiệm và mở lòng ra với Chúa cũng như với Hội Thánh, để sống đời sống mới. Đây là thành phần thiết yếu của Bí tích Hòa giải. Vì thế, Hội Thánh đòi hối nhân phải xưng thú mọi tội trọng, kể cả những tội thầm kín, vì “nếu bệnh nhân mà xấu hổ nên che dấu vết thương, làm sao lương y có thể biết mà chữa lành” (x. CĐ Trentô).
Ngoài ra, còn có những đòi hỏi liên quan đến Bí tích Hòa giải:
- Mỗi tín hữu bó buộc phải xưng các tội trọng một năm ít là một lần.
- Khi biết mình đang mắc tội trọng, không được rước Mình Thánh Chúa nếu chưa xưng tội, trừ khi không thể đi xưng tội, có thể giục lòng ăn năn sám hối.
- Trước khi được Rước Lễ lần đầu, trẻ em phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Hội Thánh cũng khuyên tín hữu xưng các tội nhẹ. Việc xưng tội thường xuyên giúp ta huấn luyện lương tâm, chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, được Chúa Kitô nâng đỡ và tiến bước trong đời sống mới.
- 3. Đền tội
Tội là hành động nằm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tội gây thiệt hại cho tha nhân, vì thế phải đền bù; chẳng hạn: trả lại đồ vật đã lấy cắp, khôi phục danh dự cho người khác… Ngoài ra, tội còn làm cho chính bản thân ta yếu đi và mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân bị tổn thương. Chính vì thế, cùng với ơn tha tội, hối nhân còn phải làm việc gì đó đền bù, và phục hồi sức mạnh thiêng liêng. Đó là ý nghĩa đền tội. Việc đền tội có thể là kinh nguyện, việc bác ái, hãm mình, phục vụ tha nhân… Cha giải tội sẽ tùy theo mức độ tội phạm của hối nhân mà ra việc đền tội cho thích hợp và ích lợi. Việc đền tội giúp ta nên giống Chúa Kitô, Đấng duy nhất đền thay tội lỗi cho ta.
IV. Thừa Tác Viên Của Bí tích Hòa Giải
Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải là các Giám mục kế vị các Tông đồ, và các linh mục là những người cộng tác của hàng Giám mục. Nhờ ân sủng lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh, các ngài tha thứ mọi tội lỗi “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nhờ ơn tha thứ này, các hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Khi cử hành Bí tích Hòa giải, cha giải tội đóng vai trò Người Mục tử tốt lành kiếm tìm con chiên lạc, người Samari nhân hậu băng bó vết thương, người cha giàu lòng thương xót đợi chờ và hân hoan đón tiếp đứa con hoang đàng trở về; đồng thời là vị thẩm phán công bằng và thương xót. Tóm lại linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình thương Thiên Chúa dành cho hối nhân. Vì là tôi tớ phục vụ cho ơn tha thứ của Thiên Chúa, cha giải tội phải mang trong mình những tâm tình và ý tưởng của Chúa Kitô. Ngài phải có hiểu biết và kinh nghiệm về cuộc sống con người, phải biết tôn trọng và nhạy cảm với những ai sa ngã; đồng thời ngài phải yêu mến sự thật, trung thành với giáo huấn của Hội Thánh, và kiên nhẫn giúp hối nhân đi lên trên con đường thánh thiện. Vì sự cao cả của Bí tích và vì lòng kính trọng đối với con người, Hội Thánh đòi buộc cha giải tội phải giữ bí mật tuyệt đối về những tội hối nhân đã xưng thú. Bí mật đó được gọi là Ấn Tòa Giải Tội và cha giải tội phải tôn trọng tuyệt đối.
V. Cử Hành Và Hiệu Quả Của Bí tích Hòa Giải
- 1. Cử hành
Thông thường, Bí tích Hòa giải được cử hành theo thể thức như sau: linh mục chào hỏi và chúc lành cho hối nhân, đọc Lời Chúa để soi sáng lương tâm và khơi dậy tâm tình thống hối; sau đó hối nhân xưng thú tội lỗi, rồi linh mục ra việc đền tội và giải tội. Cuối cùng là kinh tạ ơn và chúc lành của linh mục. Bí tích Hòa giải cũng có thể được cử hành trong khung cảnh sám hối cộng đồng. Cộng đoàn cùng cử hành Phụng vụ Lời Chúa, nghe giảng, xét mình và sám hối chung, nhưng sau đó mỗi người sẽ xưng tội riêng với linh mục. Việc cử hành này làm nổi bật ý nghĩa Hội Thánh của Bí tích Hòa giải. Trong trường hợp khẩn thiết như nguy tử, hoặc không đủ các linh mục giải tội, khiến giáo dân không thể Rước Lễ, có thể cử hành hòa giải cộng đồng và tha tội chung. Tuy nhiên, xưng tội và giải tội riêng vẫn là hình thức thông thường nhất; trong đó Chúa Kitô nói với từng người: “Cha tha tội cho con”. Ngài là Thầy Thuốc chăm sóc từng bệnh nhân và dẫn đưa họ trở về với sự hiệp thông huynh đệ. Cho dù giải tội riêng, đừng quên rằng ở tự bản chất, cử hành bí tích là một hành vi phụng vụ, và vì thế mang tích công khai và Cộng đoàn Hội Thánh.
- 2. Hiệu quả
Mục đích và hiệu quả của Bí tích Hòa giải là cho ta được làm hòa với Chúa. Đây là ơn phục sinh thiêng liêng, hồi phục tư cách và phẩm giá làm con Thiên Chúa của hối nhân. Ai lãnh nhận bí tích với lòng thống hối chân thành còn cảm nhận được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn. Cùng với hiệu quả trên, Bí tích còn hòa giải ta với Hội Thánh. Tội lỗi làm tổn thương và có khi bẻ gẫy mối hiệp thông huynh đệ. Bí tích Hòa giải khôi phục lại mối hiệp thông đó, và như thế, không những Bí tích chữa lành hối nhân mà còn ảnh hưởng tốt đẹp đến cả Hội Thánh. Đồng thời nhờ sự hiệp thông những của cải thiêng liêng trong Hội Thánh, ta được mạnh sức hơn trên đường về Quê Trời. Vào buổi xế chiều cuộc sống, mỗi chúng ta sẽ phải ra trước Tòa Chúa. Nhưng ngay từ hôm nay, khi nhận lãnh Bí tích Hòa giải, ta đã ra trước Tòa Chúa, và nhờ ơn Bí tích, ta được ngang qua cõi chết mà vào cõi sống: “Quả thật Ta bảo các ngươi: ai nghe Lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời và khỏi đến Tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống” (Ga 5,24).
VI. Để Sống Lòng Sám Hối
- Ngày nay nhiều người trẻ ngại đi xưng tội, và các bạn lý luận: xưng xong rồi lại tiếp tục phạm tội, thà không xưng thì hơn. Ẩn bên trong lý luận ấy lại là sự thất vọng về chính mình, và thiếu lòng cậy trông vào Chúa. Cần ý thức rằng hoán cải là cả một hành trình dài, và phải dám tin vào tình thương tha thứ của Chúa, tình thương của người cha hằng chờ đợi chúng ta.
- Xét mình hằng ngày, chân thành thống hối và quyết tâm gắn bó với Chúa là điều ta có thể và phải làm mỗi ngày. Những việc làm đó giúp ta luôn sống trong Ơn Hòa giải, và thúc đẩy ta sống đời Kitô hữu tốt đẹp hơn.
- Không những làm việc đền tội mỗi khi đi xưng tội, Hội Thánh còn khuyên ta thực hiện nhiều hình thức đền tội khác trong cuộc sống hằng ngày. Ba hình thức quen thuộc nhất: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Những hình thức này vừa giúp ta chế ngự bản thân, vừa dẫn ta vào cuộc sống hài hòa với Chúa, với mọi người.