Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 37: CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC

Bài 37: CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC

(x. SGLC từ 1667 đến 1690)

“Hội Thánh còn thiết lập những phụ tích. Đó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những Bí tích; nhờ đó biểu trưng những hiệu quả, nhất là những hiệu quả thiêng liêng – và thông ban hiệu quả đó nhờ sự bầu cử của Hội Thánh” (PV 60).

 

I. Các Phụ Tích (Á Bí Tích)

1. Đặc tính

Phụ tích được Hội Thánh thiết lập phỏng theo các bí tích, nhằm mục đích thánh hóa một số thừa tác vụ và bậc sống trong Hội Thánh, cũng như một vài hoàn cảnh và đồ vật có ích cho con người. Việc cử hành phụ tích thường gồm một lời cầu nguyện và một dấu chỉ đặc trưng như: đặt tay, làm dấu Thánh giá, rẩy Nước Thánh (x.SGLC 1668). Các phụ tích không chuyển thông ân sủng giống như các bí tích (hiệu quả do sự) nhưng chuẩn bị cho ta đón nhận các bí tích và cộng tác với ân sủng Thiên Chúa. Nhờ đó “hầu hết mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa… và hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào mà lại không thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa” (PV 61).

2. Những hình thức

Trước hết phải kể đến việc chúc phúc (cho người, thực phẩm, đồ vật, nơi chốn). Trong Chúa Kitô, mọi Kitô hữu được Thiên Chúa chúc phúc (Ep 1,3). Vì thế, Hội Thánh xin Thiên Chúa chúc phúc bằng cách khẩn cầu danh thánh Chúa Giêsu. Phải quan tâm đặc biệt đến một số phụ tích nhằm thánh hiến một con người hoặc một nơi chốn, đồ vật nào đó. Thánh hiến con người như nghi thức tuyên khấn, hoặc ban các thừa tác vụ nhỏ như đọc sách, giúp lễ. Thánh hiến đồ vật và nơi chốn, như nhà thờ, bàn thờ, dầu thánh, lễ phục…

Việc trừ quỷ cũng là một phụ tích. Trong cử hành Bí tích Thánh Tẩy, đã có nghi thức trừ quỷ, nhưng nghi thức trọng thể chỉ được cử hành do một linh mục với sự cho phép của Giám mục.

3. Lòng đạo bình dân

Bên cạnh phụng vụ bí tích và các phụ tích, còn có những hình thức diễn tả lòng đạo đức trong sinh hoạt của dân Chúa, như: hành hương, rước kiệu, đường Thánh giá, lần chuỗi, tôn kính các thánh tích. Những hình thức này không thay thế nhưng nối dài đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Các mục tử cần có sự sáng suốt để nâng đỡ lòng đạo bình dân nơi các tín hữu; đồng thời nếu cần, giúp cho cảm thức tôn giáo đó đi đúng hướng tức là đi sâu vào sự hiểu biết và gắn bó với mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì thế phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ Thánh Thể.

II. Nghi Thức An Táng Kitô Giáo

Trong ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, ý nghĩa của sự chết được bày tỏ. Đối với người Kitô hữu, chết là “lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5,8); ngày chết là ngày hoàn thành ơn tái sinh đã bắt đầu trong Bí tích Thánh tẩy, là ngày dự Tiệc Nước Trời đã bắt đầu trong Bí tích Thánh Thể. Hội Thánh là một người mẹ đã cưu mang con trong suốt hành trình trần thế, cũng đi theo người con ấy cho tới điểm cuối của cuộc hành trình, hiến dâng người con đó cho Chúa, trao gởi người con đó cho lòng đất, với niềm hy vọng sẽ được phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 42-44). Vì thế, nghi thức an táng của Kitô giáo tràn ngập niềm tín thác và hy vọng. Nghi thức an táng là cử hành phụng vụ chính thức, nhằm diễn tả sự hiệp thông của cộng đoàn với người đã khuất, đồng thời công bố Tin Mừng về đời sống vĩnh cửu và ơn phục sinh trong Chúa Kitô.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC