Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 39: TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

Bài 39: TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

(x. SGLC từ 1730 đến 1748).

“Tự do là điều thời nay rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi… vì tự do đích thực là dấu hiệu đặc sắc nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người… vì thế phẩm giá con người đòi hỏi họ phải hành động theo một chọn lựa có ý thức, và tự do, nghĩa là chính họ phải được thúc đẩy và hướng dẫn từ nội tâm chứ không do bản năng hoặc áp lực bên ngoài” (MV 17).

 

I. Tự Do Đích Thực

Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí và tự do, nhờ đó có sáng kiến và làm chủ hành vi của mình. Tự do là khả năng hành động hoặc không hành động, làm cái nầy hay làm cái kia, chọn lựa sự thiện hoặc sự ác, tăng trưởng tới toàn thiện hoặc suy sụp trong tội lỗi. Tự do là nguồn mạch sinh ra khen thưởng hoặc quở phạt, có công hay đáng tội. Khi chọn bất tùng phục hoặc chọn sự ác là ta lạm dụng tự do, và làm cho mình “nô lệ tội lỗi” (x.ra 6,17). Trái lại, khi ta càng làm điều thiện, ta càng tự do hơn. Như vậy, con người chỉ tự do đích thực khi phục vụ điều thiện và sự công chính; và tự do ấy chỉ đạt tới hoàn hảo khi họ tìm kiếm Đấng Tạo Hóa và tự nguyện gắn bó với Người, nhờ đó họ đạt tới hạnh phúc thật. Đức Maria và các Thánh là những người tự do đích thực.

II. Tự Do Và Trách Nhiệm

Khi con người đã suy nghĩ và chủ ý hành động một cách tự do thì con người bị ràng buộc với hành động đó, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tất cả mọi hành động do con người đã trực tiếp muốn thì trách nhiệm qui về họ. Trách nhiệm nầy có thể giảm bớt thậm chí có thể không còn nữa, do họ đã không hiểu biết, hoặc do vô tình mà làm, do bị bạo lực hay bị sợ hãi, do quá quen hoặc do cảm xúc quá mạnh, do các nhân tố tâm thần hoặc xã hội khác… Như vậy tự do là đặc tính của các hành vi thuộc con người, được gọi là hành vi nhân linh. Vì thế mỗi người đều có quyền tự nhiên đòi người khác phải thừa nhận mình là người có tự do và trách nhiệm; và khi mỗi người hành xử quyền tự do của mình là phải hành xử trong tôn trọng quyền hành xử tự do của người khác. Quyền hành xử tự do là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, nhất là trong vấn đề luân lý và tôn giáo. Quyền đó đòi dân luật phải công nhận cũng như bảo vệ trong những gì liên quan đến công ích và trật tự công cộng. Con người có trách nhiệm về tự do của mình và tôn trọng tự do chính đáng của người khác.

III. Tự Do Và Tội Lỗi

Vì có ý chí tự do nên mỗi người phải tự quyết định về chính mình. Tuy nhiên tự do của con người chỉ có giới hạn và dễ lầm lẫn. Mà sự thực là họ đã lầm lẫn đã tự ý phạm tội, đã tự dối mình để chối bỏ dự án yêu thương của Thiên Chúa, và trở thành nô lệ tội lỗi. Việc con người sử dụng sai tự do của mình lúc ban đầu đã sinh ra muôn ngàn sai lầm khác khiến “từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp… ” (Mc 7,21,23) gây nên bao điều bất hạnh và áp bức suốt dòng lịch sử. Tự do của con người chỉ giới hạn nghĩa là họ không có quyền nói và làm bất cứ điều gì. Do đó, thật là sai lầm khi “con người tự coi mình được làm chủ tự do của mình, được tự túc để thỏa mãn tư lợi trong việc hưởng thụ của cải trần gian” (Thánh bộ Đức Tin). Ngoài ra, họ còn thường bỏ qua và vi phạm cả những điều kiện để hành xử tự do cách chính đáng trong phạm vi kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… chẳng hạn chủ trương kinh tế chỉ huy độc tài quân phiệt, độc đảng, tôn giáo độc quyền… Những mù quáng và bất công đó khiến cho kẻ mạnh cũng như người yếu đuối bị cám dỗ vi phạm luật bác ái. Làm như thế con người gây tổn thương cho chính tự do của mình, trở thành nô lệ chính mình và cắt đứt tình anh em với mọi người, cũng như nổi loạn chống Thiên Chúa.

IV. Tự Do Và Aân Sủng

Con người đã hành xử tự do sai lầm nên bị giam cầm trong nô lệ tội lỗi và sự xấu. Nhưng “Chúa Kitô đã dùng thập giá vinh quang để giải thoát cho ta được tự do” (Gl 5,1), và ban cho mỗi người quyền thống trị tội, đồng thời giúp ta tìm lại ý nghĩa của tự do, nhờ đó ta có thể đạt tới điều thiện và chu toàn ơn gọi “làm con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Như thế, Chúa Kitô vừa ban khả năng vừa ban cả phương tiện để ta có thể đạt tới điều thiện cao nhất, đạt tới chí thiện “như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Khả năng và phương tiện ấy, giáo lý gọi là ân sủng. Nhưng khi ban ân sủng cho ta, Thiên Chúa không cưỡng bức hay trấn áp ta, mà chỉ mời gọi ách dịu dàng êm ái. Ta luôn vẫn hoàn toàn tự do. Ta nghe theo để tiếp nhận khả năng cũng như phương tiện Thiên Chúa ban thì ta được phúc. Trái lại, ta nhất quyết từ chối hay phản đối thì ân sủng trở thành vô ích, chỉ còn lại lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa và lòng chai đá cứng cỏi của ta. Ân sủng của Chúa không cạnh tranh với tự do của ta, mà trái lại, hễ ta càng buông mình theo thúc đẩy của ân sủng thì tự do nội tâm của ta càng tăng triển, và ta càng được kiên vững trong thử thách cũng như trước mọi áp lực và cưỡng bức của trần gian; như kinh nghiệm cầu nguyện chứng tỏ. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa sẽ dùng ân sủng để giáo dục tự do nội tâm của chúng ta, giúp ta trở thành những cộng tác viên tự nguyện cho công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới.

V. Tự Do Của Con Cái Thiên Chúa

Các nhà hiền triết Á Đông chúng ta xưa, chưa được ánh sáng Thiên Chúa mặc khải, nhưng đã trực giác rằng con người thuở ban sơ vốn có tính “thiện” và vẫn ấp ủ mơ ước đạt tới chí thiện, tuy chưa rõ chí thiện là gì. Khi Chúa Kitô đến, Người đã giải thoát ta khỏi nô lệ tội lỗi và mặc khải cho biết chí thiện là “hoàn thiện như Cha trên trời”(Mt 5,48). Tuy nhiên đó là lý tưởng siêu việt, con người tội lỗi làm sao vươn tới được, nhưng ta có ơn gọi và gương mẫu vừa tầm ta hơn là Đức Giêsu Kitô, Con Chúa Cha, Đấng đã xuống thế làm người để trở nên Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc (x.ra 8,29). Ơn gọi của ta là trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô “Đấng đã giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do” (Gl 5,1). Do đó ta có bổn phận tự nguyện đáp trả ơn gọi ấy bằng cách luôn chiến đấu để đạt tới “tự do của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Thánh Phêrô căn dặn “Anh em hãy sống như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như tôi tớ của Thiên Chúa” (1Pr 2,16). Thánh Phaolô cũng khuyên: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do, có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13). Đó là cuộc chiến đấu thường ngày của mỗi người, cuộc chiến đấu không dễ dàng, vì Đức Giêsu cũng đã bị cám dỗ, Kitô hữu luôn phải đối diện với cám dỗ thử thách. Kitô hữu phải không ngừng chế ngự và thuần hóa cái lý trí và ý chí phàm tục, thường chống lại tự do của con cái Thiên Chúa. Chế ngự và thuần hóa bằng cách buông theo ân sủng của Chúa Thánh Thần, bởi vì “ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Thần Khí của Chúa giúp ta trở nên tôi tớ để phục vụ Thiên Chúa và anh em như Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC