(x. SGLC: từ 0101 đến 0133)
“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác sửa dạy giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).
“Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giê-rô-ni-mô)
I. Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn ngỏ lời với nhân loại, để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài (MK.2). Nhưng để con người hiểu biết, đón nhận và đáp trả lời mời gọi của Ngài, Thiên Chúa đã ngỏ lời với họ bằng chính ngôn ngữ của nhân loại cũng như sau này Lời của Chúa Cha hằng hữu đến với con người bằng cách trở nên giống như loài người, mang vào mình nỗi yếu đuối của xác thịt nhân loại (MK.13). Kinh Thánh chứa đựng lời ngỏ của Thiên Chúa, trải dài trong suốt chiều dài lịch sử một dân tộc và được viết dưới nhiều hình thức khác nhau do nhiều tác giả nhân loại. Tuy nhiên, xuyên qua mọi lời được viết trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời duy nhất, Chúa Kitô chính là LỜI DUY NHẤT của Thiên Chúa. Lời “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga. 1,1-2). Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga. 1,14), đến nỗi “ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha” (Ga. 14,9). Thánh Âu-tinh đã diễn tả chân lý đó cách tuyệt vời “anh em hãy nhớ rằng cũng một Lời đó của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Kinh Thánh, cũng một Lời đó vang dội trên môi miệng tất cả các văn sĩ Kinh Thánh, vì từ khởi thủy Lời là Thiên Chúa và ở bên cạnh Thiên Chúa”. Chính vì thế, Hội Thánh “luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính thân thể Chúa, nhứt là trong Phụng Vụ thánh. Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK.21).
II. Linh ứng và Chân Lý Kinh Thánh
Nhìn từ bình diện nhân loại, Kinh Thánh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể, với những vấn đề của thời đại và có những khả năng riêng biệt. Tuy nhiên khi đọc Kinh Thánh, người tín hữu lại tuyên xưng “Đó là Lời Chúa” (1 Tx. 2,13). Vì họ xác tín rằng chính Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh. Chính Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, “để viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó mà thôi” (MK.11). Hành động đó của Thiên Chúa được gọi là LINH HỨNG và “Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự lính hứng của Chúa Thánh Thần” (MK.11). Vì thế nên “Phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Kinh Thánh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (MK.11).
III. Chúa Thánh Thần, Đấng minh giải Kinh Thánh.
Vì Kinh Thánh có tác giả là chính Thiên Chúa nhưng đồng thời Thiên Chúa lại sử dụng những con người cụ thể và ngôn ngữ nhân loại, nên để hiểu được Lời Kinh Thánh, người tín hữu phải quan tâm đến cả hai mặt: Một đàng, phải “tìm ra chủ ý của thánh sử” bằng cách quan tâm đến các thể văn được sử dụng, cũng như những cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật được thịnh hành trong khung cảnh thời đại đó (MK.12). Đàng khác, phải đọc và giải thích Kinh Thánh trong Chúa Thánh Thần (MK.12) vì Kinh Thánh được viết ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần và cũng chỉ có Ngài mới mở lòng trí ta ra để hiểu Lời Kinh Thánh (Lc 24-45). Để đạt được mục đích này, Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn hướng dẫn người tín hữu khi đọc Kinh Thánh:
- Phải lưu ý đến “nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh”, bởi vì tuy Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm nhưng lại duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và Chúa Kitô chính là tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh.
- Phải “dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh”, bởi vì Hội Thánh lưu giữ trong truyền thống sống động của mình, ký ức sống động về Lời Chúa và chính Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Kinh Thánh.
- Phải quan tâm đến “sự tương hợp của Đức tin”, nghĩa là sự nối kết giữa các chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.
IV. Qui điển Kinh Thánh
Dựa vào truyền thống tông đồ, Hội Thánh ấn định danh mục những sách được nhìn nhận là Sách Thánh. Danh mục đó được gọi là Qui điển Kinh Thánh, gồm 46 sách Cựu ước và 27 sách Tân ước. Các sách Cựu ước là thành phần thiết yếu của Kinh Thánh. Tuy “có nhiều khuyết điểm và còn tạm bợ” nhưng “các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa” nhằm “chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc muôn loài”. Đồng thời “các sách ấy diển tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, đồng thời ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi” (MK.15). Vì thế, người Kitô hữu phải tôn kính các sách Cựu ước như Lời chân thật của Thiên Chúa. Các sách Tân ước chứa đựng Lời Thiên Chúa “Lời được trình bày cách tuyệt diệu. Lời diễn tả quyền năng Thiên Chúa và là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (MK.17). Tâm điểm của các sách Tân ước là Đức Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa làm người: Hành động, giáo huấn, cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Ngài: cũng như giai đoạn đầu của Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong toàn bộ Sách Thánh “Các sách Tin Mừng xứng đáng chiếm địa vị ưu đẳng, vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời nhập thể. Đấng cứu chuộc loài người” (MK.18). Vì thế Hội Thánh tôn kính sách Tin Mừng cách đặc biệt trong cử hành phụng vụ và Tin Mừng phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống Kitô hữu.
V. Kinh Thánh trong đời sống Kitô hữu
- “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giê-rô-ni-mô). Tuy nhiên trong thực tế, đời sống đức tin của người Công Giáo tại Việt Nam nhiều khi chỉ dựa vào truyền thống, tập tục, thói quen hơn là dựa trên Lời Chúa. Vì thế, người tín hữu cần tập thói quen tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc khi tham dự Thánh Lễ, hoặc trực tiếp đọc bản văn Kinh Thánh, hoặc học hỏi bằng những phương thế khác. Có như thế, Lời Chúa mới thực sự là “Đèn soi bước chân ta”, ta mới thực sự biết Chúa Kitô và tập “mang trong lòng những tâm tư của Đức Giêsu” (PI 2,5).
- Để Lời Chúa trổ sinh hoa trái (Mt 13,8), việc đọc Kinh Thánh phải đi đôi với Kinh nguyện và việc thực thi Lời Chúa. Kinh nguyện đưa ta vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, vì “Khi cầu nguyện, ta ngỏ lời với Ngài; khi đọc các sấm ngôn thần linh, ta nghe Ngài nói” (Am-brô-si-ô). Đồng thời phải tập sống Lời Chúa vì Đức Giêsu đã cảnh giác “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu; nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được mà thôi” (Mt 7,21).