Bài 41: LƯƠNG TÂM

“Dân ngoại là những người không có luật Môsê, nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dạy thì họ là luật cho chính mình, mặc dù họ không có luật Môsê. Họ cho thấy là điều gì luật đòi hỏi thì đã được khắc ghi trong lòng họ, lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2,14-16).

 

I. Lương Tâm Là Gì

Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác (x.MV 16). Ta gọi tiếng nói ấy là lương tâm, và bởi vì tất cả mọi người đều nhìn nhận sự có mặt của lương tâm, nên lương tâm trở thành nền tảng để tất cả mọi người cùng tìm kiếm và giải quyết những vấn đề luân lý trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống xã hội. Đối với người Kitô hữu, lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Ở đó “con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (MV 16). Chính vì thế, khi nghe theo tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa. Để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm, cần phải lắng đọng tâm hồn và nhìn vào phía bên trong. Cuộc sống hôm nay quá ồn ào và vội vã, con người hôm nay có khuynh hướng trốn tránh suy nghĩ, hồi tâm và kiểm điểm. Càng sống trong thời đại như thế, ta càng cần phải tập thói quen trở về với chính mình trong thinh lặng và suy niệm; nhờ đó có thể gặp gỡ Chúa là Đấng ở trong ta còn sâu hơn chính ta (Âu tinh).

II. Huấn Luyện Lương Tâm

Lương tâm đã được Thiên Chúa đặt để nơi lòng người chứ không do con người tạo nên, tuy nhiên lương tâm ấy có thể bị biến chất do những điều kiện sống chung quanh. Vì thế, cần phải huấn luyện lương tâm, để có thể phán đoán ngay thẳng và chân thật.

Lương tâm ngay thẳng bao gồm ba yếu tố:

  • Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
  • Ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh cụ thể.
  • Phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm.

Huấn luyện lương tâm là nhiệm vụ phải thực hiện suốt đời. Công việc ấy phải được bắt đầu từ thuở ấu thơ, vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Được huấn luyện tốt, lương tâm sẽ trở thành tấm bảng chỉ đường quý giá, dẫn con người đến tự do đích thực, và mang lại sự bình an cho tâm hồn. Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa đóng vai trò rất quan trọng. Vì “lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Chúa Kitô” (Newman), nghĩa là lương tâm chính là Lời của Chúa Kitô ở mức độ khởi đầu; cho nên nhờ ánh sáng Lời Chúa, lương tâm sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn.

III. Để Có Thể Chọn Lựa Đúng Đắn Theo Lương Tâm

Kinh nghiệm cho thấy khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, theo lý trí và luật Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phán đoán sai.

1. Phán đoán sai

Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ nhiều lý do: thiếu hiểu biết về Chúa Kitô và Tin Mừng, gương xấu của người khác, nô lệ các đam mê, quan niệm sai lầm về tự do lương tâm, khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh, thiếu hoán cải và bác ái.

Thông thường, mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết của mình, nhất là khi họ “không lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, hoặc vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng” (x.MV 16). Tuy nhiên nếu không thể khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết hoặc phán đoán sai lầm không phải do bản thân mình, thì người đó không phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.

2. Chọn lựa đúng

Để có thể chọn lựa đúng đắn theo lương tâm ngay thẳng, ta phải dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên có một vài nguyên tắc có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh:

  • Không được lấy mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu.
  • Khuôn vàng thước ngọc “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
  • Đức Ái Kitô giáo đòi hỏi ta phải tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Vì thế không được xúc phạm đến tha nhân hoặc làm gương xấu cho người khác.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC