(x. SGLC từ 1846 đến 1876)
“Nếu chúng ta nói là mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối chính mình và sự thật không có trong ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho ta và thanh tẩy ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9).
I. Tội lỗi Và Lòng Thiên Chúa Thương Xót
Thánh Âu tinh định nghĩa tội là “Một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu”. Tuy nhiên phải nhìn thấy đàng sau lề luật ấy là giao ước yêu thương giữa con người và Thiên Chúa. Cũng như một người chồng khi phạm tội ngoại tình, anh ta không chỉ vi phạm Luật Hôn Nhân gia đình, nhưng chủ yếu là anh đã xúc phạm đến vợ mình, và giao ước yêu thương hai người đã ký kết. Chính vì thế, tội là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, là chống lại tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, là yêu mình đến độ khinh thị Thiên Chúa. Nhưng cho dẫu con người tội lỗi, Thiên Chúa vẫn thương xót con người. Lòng thương xót ấy được bầy tỏ cụ thể nơi Đức Giêsu, nhất là trong cuộc khổ nạn của Người. Suốt cuộc sống công khai, Đức Giêsu không ngừng rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa và ban ơn tha thứ cho tội nhân. Tuy nhiên chính trong cuộc khổ nạn mà tấm lòng của Thiên Chúa được bày tỏ cách trọn vẹn. Ở đó, tội lỗi bộc lộ tính hung bạo và đa dạng của nó: sự cứng lòng và thái độ thù hận của các thủ lãnh và dân chúng, sự hèn nhát của Philatô và độc ác của quân lính, sự phản bội của Giuđa và sự chối bỏ của Phêrô, cũng như thái độ bỏ rơi của các môn đệ. Nhưng cũng chính vào giờ tối tăm ấy, Chúa Kitô đã tự hiến và âm thầm trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta.
II. Hình Thái Và Mức Độ Của Tội
Tội lỗi rất đa dạng. Trong thư Rôma, Thánh Phaolô đã liệt kê các thứ tội “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác như vậy” (1,28-32). Thông thường người ta phân biệt tội theo đối tượng, nghĩa là dựa vào các điều răn mà tội nhân vi phạm. Cũng có thể phân biệt tội dựa vào tương quan của ta với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của mọi tội lỗi là chính lòng người “Vì tự lòng xuất phát những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó chính là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,19-20). Tội lỗi có nhiều mức độ. Truyền thống Hội Thánh nhìn nhận cách phân biệt tội trọng và tội nhẹ như đã có trong Kinh Thánh.
1. Tội trọng
Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba yếu tố: Phạm một lỗi nặng, có ý thức đầy đủ và cố tình. Lỗi nặng được xác định trong mười điều răn và Đức Giêsu lập lại: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ (x.Mc 10,14). Giữa các tội nầy, có tội nặng hơn và tội nhẹ hơn. Mức độ tội lỗi cũng tùy thuộc vào tương quan của tội nhân với phẩm giá của người bị xúc phạm, nếu hành hung cha mẹ thì nặng tội hơn hành hung người lạ. Có ý thức đầy đủ là biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Nếu thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, tội nhân có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm của mỗi người. Cố tình là đã biết, suy nghĩ cặn kẽ và ưng thuận. Nó trở thành một lựa chọn cá nhân, và tội nhân phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Khi phạm tội trọng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng và phần rỗi đời đời bị đe dọa. Tuy nhiên quyền phán xét một con người là quyền thuộc về Thiên Chúa, Đấng công minh và cũng là Đấng giàu lòng xót thương.
2. Tội nhẹ
Chúng ta phạm tội nhẹ khi vi phạm luật luân lý trong điều nhẹ, hay lỗi điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hoặc ưng thuận. Tội nhẹ không làm mất ơn thánh hóa, cũng không làm mất phúc thật vĩnh cửu. Tuy nhiên, tội nhẹ làm suy yếu Đức Ái, ngăn cản ta tiến triển trong cuộc thực hành các đức tính và điều thiện. Đồng thời người cố tình phạm tội nhẹ và không sám hối, sẽ đi dần đến chỗ phạm tội trọng và ảnh hưởng đến phần rỗi đời đời. Ngoài ra, Kinh Thánh còn nói tới tội phạm đến Thánh Thần (x.Mc 3,29). Đó là tội cố tình không hối cải và khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì thế cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Không phải là Thiên Chúa không tha thứ, nhưng chính tội nhân tự tách mình ra khỏi lòng thương xót của Ngài, và tự kết án chính mình.
III. Những Hình Thức Khác Của Tội
1. Thói xấu
Thói xấu xuất hiện khi những hành vi xấu được lập đi lập lại nhiều lần. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều ác, lương tâm mờ tối và lệch lạc trong việc thẩm định giá trị luân lý. Có thể xếp loại các thói xấu dựa vào các nhân đức mà chúng đối nghịch, hoặc dựa vào bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, ghen ghét, hờn giận, mê ăn uống và làm biếng.
2. Đồng lõa với tội lỗi
Tội là một hành vi cá nhân, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về tội của người khác, khi cộng tác với họ dưới nhiều hình thức: tham gia trực tiếp và cố tình; ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành; không ngăn cản khi có bổn phận phải làm; bao che cho người làm điều ác.
Tội lỗi là kinh nghiệm thực tế của mỗi người và mọi người “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì ta tự lừa dối mình” (1Ga 1,8). Nhưng đồng thời, Kinh Thánh xác quyết “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nói như thế không phải để ta buông thả trong tội lỗi, nhưng để ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, và tình thương ấy thúc đẩy ta vươn lên không ngừng, sống phù hợp với ơn gọi làm con cái Chúa.