Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 48: ĐIỀU RĂN I: THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA

Bài 48: ĐIỀU RĂN I: THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA

(x. SGLC từ 2083 đến 2141)

“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20, 2-5)

Đức Giêsu đã tóm lại các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37). Trong “mười lời” (mười điều răn) Thiên Chúa ban cho dân Người, thì ba lời đầu trực tiếp nhắm tới bổn phận đối với Thiên Chúa, và bảy lời sau nhắm tới bổn phận con người đối với nhau theo ý muốn Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất nói về bổn phận tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự.

 

I. Phải Tôn Thờ Một Mình Thiên Chúa

Thiên Chúa đã mặc khải quyền năng và lòng nhân hậu cho dân được chọn, khi thực hiện công cuộc giải phóng dân: “Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai Cập; khỏi cảnh nô lệ”. Vì thế Israen thuộc về Chúa, là dân của Chúa nên phải tôn thờ một mình Người “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ… anh em không được theo những thần khác” (Đnl 6, 13-14). Khi Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Người cho dân Ít-ra-en, Người cũng mặc khải về chính con người và ơn gọi của họ, để họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người. Con người phải thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng một mình Người mới phải đạo: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Đức Maria: ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kÿ công tuyệt vời của Chúa (x. Kinh Magnificat; Lc 1, 46-55). Thờ phượng Thiên Chúa như vậy là thể hiện lòng tin cậy mến đối với Thiên Chúa.

1. Đức tin

Muốn sống cho phải đạo, phải tin vào Thiên Chúa, yêu mến và vâng phục Người. Những lệch lạc và sai lầm về luân lý bắt nguồn từ chỗ không tin Thiên Chúa hoặc từ chối tin vào Người. Cho nên điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng đức tin và xa tránh những gì nguy hiểm cho đức tin. Có những tội nghịch đức tin như từ chối hoặc nghi ngờ tin vào những điều Thiên Chúa đã mặc khải, và Hội Thánh đã giảng dạy. Khi chối bỏ hay nghi ngờ một chân lý phải tin là rối đạo. Bỏ đạo là hoàn toàn chối bỏ niềm tin Kitô giáo. Còn khi từ chối không vâng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với Hội Thánh thì gọi là ly giáo.

2. Đức Cậy

Trông cậy là tin tưởng và mong chờ phúc lành của Thiên Chúa ở đời này, và được hạnh phúc với Người ở đời sau. Hai tội nghịch với đức trông cậy là tuyệt vọng và kiêu ngạo. Khi nghi ngờ và không còn tin tưởng vào lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa, con người không còn mong đợi ơn tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa nữa. Đó là tội tuyệt vọng. Còn khi con người quá cậy tài sức của mình mà không cần ơn Chúa, hoặc khi quá cậy trông vào lòng nhân từ và quyền năng Thiên Chúa, mà không cần cộng tác bằng việc ăn năn hối cải, để được hưởng ơn cứu độ, đó là tội tự cao tự đại.

3. Đức mến

Tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, con người phải yêu mến Thiên Chúa chân thành và hết mình: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6, 4-5). Điều răn thứ nhất dạy ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, mọi loài, và yêu mến chỉ vì chính Người mà thôi. Đó là đức mến Kitô giáo. Người ta có thể phạm tội nghịch đức mến: – Dửng dưng là bỏ qua hoặc từ chối không công nhận tình yêu Thiên Chúa. – Vô ơn là không đáp lại tình yêu Thiên Chúa. – Thờ ơ hay lười biếng trong các bổn phận đối với Chúa. – Thù ghét, chống lại và nguyền rủa Thiên Chúa.

4. Những hình thức khác

  1. Cầu Nguyện. Khi cầu nguyện, người Kitô hữu thể hiện lòng tin cậy mến mà thờ phượng Thiên Chúa. Cầu nguyện tức là thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ và xin ơn. Cần phải cầu nguyện để có thể vâng giữ các điều Chúa truyền, và thực hành những diều Chúa dạy.”Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Như thế, cầu nguyện là thái độ cơ bản nói lên đức thờ phượng đối với Thiên Chúa.
  2. Lễ Hy Sinh: Thật là hợp lý khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lễ hy sinh để tôn thờ, cảm tạ, xin ơn. “Tất cả những hành động ta thực hiện, hầu gắn bó hiệp thông với Thiên Chúa để được vinh phúc, đều là những hy sinh thật sự” (Thánh Âu Tinh). Tuy nhiên phải là hy lễ chân thành và vị tha, nghĩa là thái độ bên ngoài phù hợp với tâm tình bên trong “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát” (Tv 51, 9). Đối với Đức Giêsu, lòng nhân từ đối với tha nhân là hy lễ được chấp nhận: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; 12,7). Hy lễ duy nhất, hoàn hảo nhất là hy lễ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha khi ở trên thánh giá. Hiệp nhất với hy lễ của Chúa Kitô, chúng ta sẽ làm cho đời sống thành lễ hy sinh đẹp lòng Chúa.
  3. Các lời hứa và khấn: Có những lời hứa với Thiên Chúa đương nhiên được bao hàm khi chịu Thánh Tẩy, Thêm sức, Hôn phối và Truyền Chức Thánh. Ngoài ra, do lòng sùng kính, người Kitô hữu có thể hứa với Chúa để làm việc này việc kia. Lời hứa này bày tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, và tin tưởng Người là Đấng toàn năng và trung thành. Còn lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo. Khấn là tự hiến thân cho Thiên Chúa hoặc là tự nguyện và ý thức hứa với Thiên Chúa sẽ làm một điều tốt lành nào đó (x. Gl 1191). Hội Thánh vốn công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn thực hành ba lời khuyên của Phúc Âm của các tu sĩ nam nữ. Trong một số trường hợp và vì những lý do tương xứng, Hội Thánh có thể chuẩn miễn các lời hứa với các lời khấn.

5. Bổn phận đối với xã hội và quyền tự do tôn giáo

Người Kitô hữu không chỉ có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa mà còn phải “cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống” (TĐ 3). Bổn phận xã hội của người Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi con người lòng yêu mến cái thân mật và cái tốt lành, và làm cho người khác nhận biết rằng tôn giáo chân thật, duy nhất, chỉ tồn tại nơi Hội Thánh Công giáo (x. TD 1). Không những người Kitô hữu mà bất cứ người nào khác cũng có quyền hành động theo lương tâm mình, và tự do tuyên xưng niềm tin của mình chỗ riêng tư cũng như nơi công cộng. (x. TD 2).

II. Các Tội Nghịch Điều Răn Thứ Nhất

Điều răn thứ nhất cấm không được tôn thờ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Điều răn này cũng cấm mọi hình thức mê tín dị đoan và tình trạng vô tôn giáo.

  • Dị đoan: Khi có sự lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và những cách thể hiện tâm tình đó.
  • Tôn thờ ngẫu thần: Khi tôn thờ bất cứ tạo vật nào thay thế Thiên Chúa, hay ngang bằng Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần.
  • Bói toán và ma thuật: Tất cả những hình thức bói toán nhằm biết vận mệnh tương lai, đều trái nghịch với lòng tôn kính và phó thác cho một mình Thiên Chúa. Những cách thực hành ma thuật hoặc phù thủy nhằm có một quyền hành bí ẩn đối với đồng loại, đều nghịch với đức thờ phượng.
  • Vô tôn giáo: Dùng lời nói hoặc hành vi để thử quyền phép Thiên Chúa: tội phạm thánh và tội mua thần bán thánh.
  • Thuyết vô thần: Là chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu, hoặc khước từ lệ thuộc vào Thiên Chúa, để đặt tất cả hy vọng, hạnh phúc và cùng đích nơi vật chất cũng như nơi con người.
  • Thuyết bất khả tri: Không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng chủ trương Thiên Chúa không thể mặc khải cho con người, và con người không thể nói gì, biết gì về Thiên Chúa.

III. Tôn kính ảnh tượng Trong Cựu Ước

Thiên Chúa cấm dùng bất cứ hình ảnh nào tượng trưng cho Thiên Chúa (x. Đnl 4, 15-15). Nhưng khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã mang một hình hài thật sự. Do đó, việc tôn kính ảnh tượng của Kitô giáo không nghịch với điều răn thứ nhất. Vì khi tôn kính ảnh tượng, ta không tôn kính chính ảnh tượng, mà là tôn kính chính Đấng có hình ảnh đó. Lời cầu nguyện khi làm phép ảnh tượng diễn tả tâm tình phải có: “Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh của các Thánh Chúa, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, thì con mắt ký ức cũng suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của các Đấng mà bắt chước”. Như thế, việc tôn kính ảnh tượng trở thành phương thế giúp cầu nguyện, sống mầu nhiệm hiệp thông các Thánh, và huấn luyện đời sống đức tin.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC