Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBÀI 5: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA: ĐỨC TIN

BÀI 5: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA: ĐỨC TIN

(x. SGLC từ 0145 đến 0175)

“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. (Dt 11,1)

“Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”. (Thánh Âu-tinh)

 

I. Tin là đáp lời Thiên Chúa

“Với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (MK.2). Tin chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô nói đến sự vâng phục của đức tin. Trong cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ của con người với con người cũng được dệt bằng sự tin tưởng lẫn nhau, nếu không cuộc sống sẽ rất nặng nề vì ngờ vực và nghi ky. Xa hơn nữa, trong tình bạn và trong cuộc sống gia đình, người ta còn đến với nhau bằng niềm tin sâu xa hơn niềm tin bao hàm cả tình yêu, tín nhiệm và trung tín, niềm tin khiến con người cởi mở cõi lòng cho nhau và nâng đỡ nhau trong mọi nỗi niềm cuộc sống. Như thế, niềm tin đã là một yếu tố căn bản và cần thiết cho cuộc sống. Thực tế đó giúp ta hiểu niềm tin vào Thiên Chúa không phải là điều chi xa lạ và trừu tượng. Tuy nhiên niềm tin vào Thiên Chúa lại mang một nội dung rất khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa là Chân lý ban sự sống. Vì thế, niềm tin vào Thiên Chúa phải là sự gắn bó toàn diện và tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh và không một tạo vật nào có thể đòi hỏi nơi ta niềm tin như thế. Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria là những mẫu mực của đức tin. Vì tin, tổ phụ Abraham đã vâng lời “ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 1,8). Vì tin, Mẹ Maria đã thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tÿ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc.1,38), vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (1, 37). Các ngài đã trao phó trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và trở thành những người cộng tác tích cực vào chương trình của Thiên Chúa.

II. Tin là gắn bó với Chúa Cha, qua Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần

Không phải chỉ có người Công Giáo mới tin vào Thiên Chúa. Rất nhiều người chia sẻ với chúng ta niềm tin ấy, cách riêng trên quê hương Việt Nam thân yêu. Tuy nhiên, hình ảnh mỗi người có về Thiên Chúa lại có thể rất khác nhau và nhiều khi, vị Thiên Chúa mà người ta tôn thờ chỉ là vị Thiên Chúa theo sở thích và trí tưởng tượng của con người. Với người Kitô hữu, niềm tin vào Thiên Chúa không thể tách ra khỏi niềm tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giêsu Kitô. Chỉ một mình Ngài biết Thiên Chúa và có thể chỉ cho ta thấy Thiên Chúa đích thực “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Vì thế, tin là tin vào Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô. Niềm tin ấy, chúng ta không thể có nếu không được chia sẻ Thánh Thần của Đức Giêsu vì “Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Ngài là Đấng “thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa … Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,10-11).

III. Những đặc tính của đức tin

Khi tông đồ Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đức Giêsu đã tuyên bố “Này anh Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy. Đấng ngự trên Trời” (Mt. 16-17). Như thế, đức tin trước hết là HỒNG ÂN Thiên Chúa ban tặng. Chính Ngài đi bước trước và trợ giúp từ bên trong “Ngài thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tìm theo chân lý” (MK.5). Nếu đức tin là một hồng ân thì đồng thời, TIN cũng là HÀNH VI CỦA CON NGƯỜI. Ân huệ Thiên Chúa không hủy diệt khả năng hiểu biết và ý chí tự do của con người, nhưng soi sáng, nâng đỡ và gọi mời cộng tác. Chính vì thế “Đức tin kiếm tìm hiểu biết (Thánh An-sen-mô), hiểu biết nhiều hơn về Đấng mình tin và những chân lý Ngài mặc khải, một hiểu biết sống động khiến ta gắn bó với Thiên Chúa nhiều hơn đề như thánh Âu-tinh diễn tả “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin nhiều hơn”. Đồng thời, TIN là hành vi tự do vì “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (TD.11). Trong cuộc sống trần thế, “Đức Giêsu đã trợ giúp và chứng thực lời giảng thuyết của Ngài bằng những phép lạ, để khơi dậy và cũng cố lòng tin của thính giả, Nhưng Ngài không hề tạo áp lực cưỡng ép họ” (TD.11). Cuối cùng, vì đức tin là sự gắn bó toàn diện con người với Thiên Chúa, nên không thể chỉ ngưng lại ở những hiểu biết xuông mà phải dẫn tới hành động. Chính vì thế, thánh Gioan nói đến việc “thực thi chân lý” và thánh Gia-cô-bê gọi “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Người tín hữu luôn luôn tự cảnh giác vì Lời Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Những chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt,7,21). Đức tin như ta vừa tìm hiểu là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ khi Ngài từ cõi chết sống lại “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cứu độ cho mọi loài thọ tạo, Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc.16,15-16). Ơn cứu độ ấy sẽ hoàn thành trong ngày sau hết nhưng ngay từ bây giờ, đức tin cho ta nếm hưởng ánh sánh vĩnh cữu, “bảo đảm cho những điều ta hi vọng” (Dt.11,1). Vì thế, đức tin là khởi điểm của cuộc sống vĩnh hằng.

IV. Đức tin cá nhân và cộng đoàn

Không ai có thể tự ban tặng sự sống cho mình và cũng không ai có thể sống một mình, nhưng người ta đón nhận sự sống từ người khác và sống luôn luôn là sống với. Đức tin cũng thế. Một đàng, đức tin là hành vi cá nhân hiểu như lời đáp trả tự do của mỗi người trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, đức tin là một quà tặng được đón nhận và đến lượt mình phải trao ban cho người khác. Hội Thánh chính là người mẹ trao ban đức tin cho ta. Vì thế, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, thừa tác viên hỏi “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?”, người lãnh nhận trả lời “Con xin đức tin… Đức tin mang lại cho con sự sống đời đời”

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC