Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 51: ĐIỀU RĂN IV: THẢO KÍNH CHA MẸ

Bài 51: ĐIỀU RĂN IV: THẢO KÍNH CHA MẸ

(x. SGLC từ 2197 đến 2257)

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31). “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, để người được sống lâu trên đất mà Chúa là Thiên Chúa của ngươi đã ban cho người” (Xh 20, 12)

“Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Tình yêu ấy trước hết phải dành cho Tổ tiên, Ông Bà Cha Mẹ là những người có công sinh thành dưỡng dục ta. Vì thế, mở đầu cho 7 điều răn về yêu người, điều răn thứ tư dạy: phải thảo kính cha mẹ. Đây cũng là đòi hỏi rất phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Và trong bài này, chúng ta tìm hiểu mối liên hệ, trách nhiệm và bổn phận giữa cha mẹ và con cái. Khi gia đình thực sự là cộng đồng tình yêu và sự sống, gia đình sẽ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc.

 

I. Gia Đình Công Giáo

Khi dựng lên con người có nam và nữ, là Thiên Chúa đã muốn thiết lập gia đình. Gia đình được xây dựng dựa trên giao ước và sự ưng thuận tự do của vợ chồng, và hướng tới lợi ích cho vợ chồng cũng như tới việc sinh sản giáo dục con cái. Cha mẹ cùng với con cái có những liên hệ mật thiết và tự nhiên trong gia đình, và mỗi thành viên trong gia đình đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, nhưng có những trách nhiệm quyền lợi và bổn phận khác nhau, để phục vụ lợi ích chung của gia đình và xã hội. Đó là bản chất của gia đình. Gia đình Kitô giáo cũng mang nội dung đó, nhưng hơn thế nữa, sự hiệp thông giữa những người có đức tin, cậy, mến, mang dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Gia đình Kitô giáo cũng còn “mặc khải và thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, bởi đó mà gia đình Kitô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia” (Tông huấn gia đình, 21). Thực vậy, việc sinh sản và giáo dục con cái trong gia đình Kitô giáo phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha, và gia đình Kitô giáo được mời gọi để tham dự việc cầu nguyện và hiến tế của Chúa Kitô, gia đình ấy cũng là một “cộng đồng có đặc ân, để vợ chồng thể hiện sự đồng tâm nhất trí cũng như sự cộng tác ân cần trong việc giáo dục con cái” (MV 52,1). Những ý nghĩa trên làm cho gia đình Kitô giáo có nhiệm vụ phúc âm hóa và truyền giáo.

II. Gia Đình Và Xã Hội

Gia đình là tế bào đầu tiên của đời sống xã hội, là một cộng đoàn mà vợ chồng liên kết cho nhau trong tình yêu và trong việc trao ban sự sống. Quyền bính, sự ổn định và những mối liên hệ trong gia đình là nền tảng cho sự tự do, an ninh, và tình huynh đệ trong xã hội. Vì thế gia đình phải sống sao để mọi thành phần biết quan tâm lo lắng cho người trẻ cũng như già, người đau yếu hay khuyết tật, và cả những người nghèo trong gia đình mình. Như thế đời sống gia đình thực là cuộc khai tâm vào đời sống xã hội. Vì gia đình có tầm quan trọng đối với sự sống và sự lành mạnh của xã hội (x. Mv 47) nên xã hội có trách nhiệm đặc biệt để nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình. Xã hội phải có những biện pháp thích đáng để giúp đỡ và bảo vệ gia đình. Các cộng đồng lớn không được xâm phạm quyền lợi hoặc can thiệp vào nội bộ các gia đình. Trái lại, xã hội phải “hỗ trợ” cho gia đình. Chánh quyền có trách nhiệm phải “nhìn nhận và bênh vực bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý công cộng và tạo thuận lợi giúp gia đình được sung túc” (MV 52. Cụ thể là đảm bảo cho gia đình: – Quyền tự do xây tổ ấm, tự do sinh sản và dưỡng dục con cái theo xác tín luân lý và tôn giáo của mình. – Quyền tự do tuyên xưng và truyền bá đức tin, cũng như giáo dục con cái trong đức tin bằng những phương thế cần thiết. -Bảo vệ sự bền vững của dây hôn phối, bảo vệ quyền tư hữu, quyền có công ăn việc làm, quyền cư trú, quyền di cư, quyền được bảo vệ an ninh tránh khỏi thói nghiện hút, khiêu dâm, say sưa… (xem Tông Huấn Gia Đình, 46). “Sự lành mạnh về phương diện nhân bản và về phương tiện Kitô giáo của con người và của xã hội, tùy thuộc chặt chẽ vào tình trạng tốt lành của cộng đồng hôn nhân và gia đình” (MV 47).

III. Bổn Phận Con Cái

Vì ơn nghĩa sinh thành mà con cái dù lớn dù nhỏ đều phải hiếu thảo với mẹ cha. Đó là lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Xh 20,12). Hiếu thảo trước hết là biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục. “Hãy hết lòng tôn vinh cha con, và đừng quên những đau khổ của mẹ con. Hãy nhớ rằng các ngài đã sanh ra con, con sẽ làm gì để đền đáp ơn nghĩa?” (Si 7, 27-28). Hiếu thảo là tỏ ra dễ dạy và vâng lời thành thật: “Con ơi, hãy giữ lấy lời cha truyền, đừng quên lời mẹ dạy. Những lời đó sẽ hướng dẫn khi con đi, bảo vệ khi con nghỉ, dạy dỗ khi con thức” (Pr 6, 20-22). Khi đã khôn lớn, con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần, trong lúc bệnh tật già yếu, hay lúc cô đơn buồn phiền. Chúa Kitô đã nhắc nhở rằng: “Người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mc 7,10). Lòng thảo kính cha mẹ giúp cho anh chị em biết thương nhau, nhờ đó cả gia đình được hòa thuận: “Hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4, 2). Kitô hữu còn phải biết ơn đặc biệt những người đã giúp mình lãnh nhận đức tin, bí tích Rửa tội, và được sống trong Hội Thánh, như: cha mẹ, chú bác cô dì, ông bà, giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên, thầy cô, bạn hữu…

VI. Bổn Phận Cha Mẹ

Cha mẹ đã sinh thành thì phải dưỡng dục con cái về mọi mặt: nhân bản cũng như đức tin. “Vai trò cha mẹ trong việc giáo dục con cái thật là quan trọng đến nỗi hầu như không ai thay thế được” (GĐ 3). Không những cha mẹ có quyền mà còn có bổn phận giáo dục con cái, và cha mẹ là người có trách nhiệm trước hết trong việc giáo dục (x. Tông Huấn Gia đình 36).

* Về mặt nhân bản:

Trước hết cha mẹ phải xây dựng một tổ ấm gia đình, có qui luật dịu hiền, tha thứ, tôn trọng, trung tín và phục vụ vô vị lợi. Tổ ấm ấy là nơi tốt nhất để tập các nhân đức: tập quên mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ… đó là những điều kiện để được tự do đích thực. Tổ ấm ấy là những môi trường tự nhiên để huấn luyện tình liên đới và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy con cái biết đặt “những gì là vật chất và thuộc bản năng, phải lệ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần” (Ca 36). Nhất là cha mẹ có trách nhiệm năng làm gương tốt cho con cái, sẵn sàng nhận lỗi mình trước con cái, đó là điều khiến họ dễ hướng dẫn và sửa dạy chúng hơn.

* Về mặt đức tin:

Nhờ ơn Bí Tích Hôn Phối, cha mẹ có trách nhiệm và đặc ân phúc âm hóa con cái, nghĩa là khai tâm chúng vào đời sống đức tin, và đời sống Hội Thánh ngay từ tuổi thơ ấu: “Ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái” (GH 11), và mọi người trong gia đình, nếu sống đời Kitô hữu theo Phúc Âm, cũng sẽ giúp chúng lớn lên trong đức tin. Cha mẹ lo dạy giáo lý, dạy con cái biết cầu nguyện và biết nhận ra chúng là con cái Thiên Chúa, cung cấp những nhu cầu vật chất và thiêng liêng, tập cho chúng xử dụng lý trí và tự do, chọn trường học phù hợp với niềm tin tôn giáo của mình, để đảm bảo cho chúng được nền giáo dục Kitô giáo (x.GD 6). Khi con cái đã khôn lớn và phải chọn nghề cũng như chọn bạn đời, cha mẹ không được ép buộc, nhưng phải góp ý và khuyên bảo, để chúng tín nhiệm và bàn hỏi và tự ý vâng theo. Nếu mỗi người trong gia đinh đều cố gắng lấy tình nghĩa gia đình và đức ái Chúa Kitô, để sống hòa hợp và không ngừng tha thứ cho nhau, khi có những xúc phạm, tranh cãi, bất công hay bê trễ, thì chính con cái cũng góp phần của chúng vào việc thánh hóa cha mẹ (x. MV 48).

V. Gia Đình Và Ơn Chúa Gọi

Tình nghĩa gắn bó mọi người trong gia đình với nhau thật là quan trọng, nhưng không phải là tuyệt đối. Con cái lớn lên tới tuổi trưởng thành và tự lập về nhân bản cũng như đức tin thế nào, thì ơn Chúa gọi cũng mỗi ngày một sáng tỏ và mạnh mẽ hơn như vậy. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi, đó là tạo thuận lợi cho con cái đáp trả. Ơn gọi trước hết của Kitô hữu là theo Đức Giêsu: “Ai yêu cha mẹ mình hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Theo Đức Giêsu là trở nên môn đệ, là chấp nhận thuộc về gia đình của Thiên Chúa, sống đúng theo lối sống của Người: “Ai thi hành ý muốn của cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Tôi, là mẹ Tôi” (Mt 12,49). Cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng với niềm vui và lòng biết ơn khi biết Chúa gọi con cái mình theo Chúa trong bậc sống khiết tịnh Nước Trời, hay bậc sống tận hiến, hoặc bậc sống giáo sĩ.

VI. Bổn Phận Nhà Cầm Quyền

Nhà cầm quyền trong xã hội đã lãnh nhận quyền bính do Thiên Chúa thì phải thi hành quyền bính để phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Không được ra lệnh hoặc thiết định điều gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên, nhưng phải chứng tỏ mình biết đúng thứ tự các giá trị, để giúp mọi người sử dụng tự do và thi hành trách nhiệm. Những người có trách nhiệm phải khôn ngoan sử dụng quyền phân phối sắp đặt cho công bằng, bằng cách quan tâm đến những nhu cầu và sự đóng góp của mỗi người, cũng như nhằm duy trì sự hòa thuận và bình an, không để cho lợi ích của cá nhân đối nghịch với lợi ích của cộng đồng. (x. Ca 25). Chánh quyền phải tôn trọng những quyền căn bản của con người. Những quyền chánh trị đi đôi với quyền công dân thì có thể và phải để cho công dân được hưởng, tùy như công ích đòi hỏi, không được rút các quyền đó lại, khi không có lý do chánh đáng và tương xứng. Việc thi hành các quyền chánh trị là nhằm mưu ích chung cho quốc gia và cộng đồng nhân loại.

VII. Bổn Phận Người Công Dân

Người cấp dưới phải coi cấp trên như những người thay mặt Thiên Chúa. “Hãy vì Chúa mà tùng phục mọi cơ chế của loài người. (…) Hãy hành động như những người tự do, đừng như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác của họ, nhưng như những đầy tớ của Thiên Chúa” (1Pr 2,13,16). Để cộng tác thành thật với cấp trên, cấp dưới có quyền và đôi khi có bổn phận can gián cấp trên về những gì có thể gây nguy hại cho phẩm giá con người và lợi ích của cộng đồng. Bổn phận người công dân là góp phần với chánh quyền để mưu ích cho xã hội trong tinh thần thành thật, công bằng, liên đới và tự do. Công dân phải yêu mến và phụng sự tổ quốc vì là bổn phận biết ơn và thuộc đức bác ái. Phải tùng phục nhà cầm quyền, và cùng trách nhiệm đối với công ích để nộp thuế, đi bầu cử, bảo vệ xứ sở đúng như luân lý đòi hỏi: “Nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Công dân bị buộc theo lương tâm không được tuân theo những chỉ thị nào của chánh quyền trái nghịch với đòi hỏi của luân lý, trái với quyền căn bản của con người, hay giáo huấn của Phúc Âm (x.MV 74). Quyền từ chối vâng phục trong những trường hợp đó dựa vào sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị. “Hãy trả cho César cái gì của César, trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa” (Mt 22, 21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta” (Cv 5,29). Khi phản kháng sự áp bức của chánh quyền, không được phép dùng võ khí, trừ khi hội đủ các điều kiện như:

  1. Có vi phạm các quyền căn bản một cách thực sự, trầm trọng và kéo dài.
  2. Sau khi đã thử hết mọi biện pháp khác.
  3. Không gây xáo trộn tệ hại hơn.
  4. Có hi vọng chắc thành công.
  5. Không thể tiên liệu những giải pháp nào tốt hơn.

VIII. Điều Răn IV Và Đạo Hiếu Của Con Người Việt Nam

  1. Điều răn IV mở đầu cho bảy điều răn dạy về yêu người, và là một trong các nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh. Điều răn nầy đòi hỏi: phải thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, còn soi sáng cho các mối liên hệ khác trong gia đình và xã hội, giúp mọi người nhận ra anh chị em ruột thịt hay họ hành đều là con cái của cha mẹ, chú bác, cô dì… Nhận ra mọi đồng bào đều là con của tổ quốc, nhận ra những người đã được Rửa Tội đều là con của Mẹ Hội Thánh, và mỗi người đều là con của Đấng muốn mọi người gọi là Cha. Vì thế, người thân cận ta không phải chỉ là một cá thể xa lạ trong tập thể loài người, nhưng là một người đáng để ta đặc biệt quan tâm và kính trọng, vì ta đã biết gốc gác của họ (SGLC 2212).
  2. Kitô hữu Việt Nam sống trong lòng dân tộc đã có sẵn truyền thống rất tốt đẹp để sống với nhau trong gia đình, ngoài xã hội và đối với cả trời đất. Đặc biệt là Đạo Hiếu dạy:

“Uống nước nhớ nguồn,

Làm con phải hiếu.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Nghĩa là phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời (sự sinh như sự tử), là chăm lo săn sóc lúc cha mẹ già yếu; và sau khi chết phải lo an táng, lễ giỗ, lập bàn thờ, xây đắp mộ, với nhang đèn để tỏ lòng báo hiếu… Đối với thầy cô dạy dỗ thì dù được một chữ hay nửa chữ cũng không quên thầy. Đối với nhà cầm quyền thì coi như cha mẹ (phụ mẫu chi dân)… Đó là những vốn quý của dân tộc mà Kitô hữu Việt Nam phải trân trọng và phúc âm hóa, theo gương Chúa Kitô. Chúa Kitô là mô hình tuyệt vời về lòng hiếu thảo với Cha trên trời: “Xin theo ý Cha, đừng theo ý Con” (Mt 26,39), với cha mẹ dưới đất: “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,54). Người cũng là mô hình tuyệt hảo cho những ai có trách nhiệm trên người khác, vì Người là Chúa và là thầy mà còn rửa chân cho môn đệ, để phục vụ họ (x.Ga 13,14). Kitô hữu Việt Nam phải phát huy truyền thống Đạo Hiếu của dân tộc, như chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục VN (1965), để xóa bỏ thành kiến của nhiều người vẫn cho rằng: theo đạo Công giáo là bỏ ông bà.

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC