Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 52: ĐIỀU RĂN THỨ V: TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

Bài 52: ĐIỀU RĂN THỨ V: TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

(x. SGLC từ 2258 đến 2330)

“Ngươi sẽ không phạm tội giết người” (Xh 20,13). “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa” (Mt 5, 21-22). “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Tình yêu phải được thể hiện qua thái độ tôn trọng người khác mà trước hết là tôn trọng sự sống của họ, vì sự sống là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, điều răn thứ năm nầy dạy “không được giết người”, hơn thế nữa, còn phải tôn trọng sự sống con người, sự sống toàn diện và trong mọi chiều kích.

 

I. Tôn Trọng Sự Sống Con Người

Sự sống con người có giá trị linh thánh vì ngay từ khởi đầu, sự sống đã do chính Thiên Chúa tạo dựng, và mãi mãi có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa là cùng đích của nó. Câu chuyện Cain giết em là Abel cho thấy ngay từ đầu lịch sử loài người đã có cảnh máu đổ do huynh đệ tương tàn. Cựu ước luôn coi máu như dấu hiệu linh thánh của sự sống (x.Lv 17,14) và xác định rằng: “Ngươi không được giết người vô tội cũng như người công chính” (Xh 23,7). Giết người vô tội là xúc phạm nặng đến phẩm giá con người, và đến sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa. Chúa Kitô đã nhắc lại lệnh truyền “Ngươi không được giết người” (Mt 5,21) và còn thêm rằng: “không được giận, ghét hoặc oán thù” (Mt 5,22). Người còn đòi môn đệ “nếu bị vã má phải, thì giơ luôn má trái nữa” (Mt 5,39) và “phải yêu cả kẻ thù” (Mt 5,44). Chính Người cũng đã không tự vệ khi bị bắt trói và còn bảo ông Phêrô “cất gươm vào vỏ” (MT 26,52).

II. Tự Vệ Chính Đáng

Yêu mến bản thân là một nguyên tắc căn bản của luân lý. Ta có quyền chính đáng để đòi hỏi mọi người phải tôn trọng quyền sống của ta. Nếu vì bảo vệ sự sống mình mà phải giết kẻ gây hấn, thì không phạm tội giết người. Sự tự vệ chính đáng nầy không những là một quyền mà còn là một bổn phận cốt yếu của những ai có trách nhiệm đối với sự sống người khác, đối với lợi ích chung của gia đình hay xứ sở. Để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, họ phải làm cho kẻ gây hấn không thể tác hại nữa. Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh công nhận rằng chánh quyền hợp pháp có quyền và bổn phận trừng phạt tùy theo tội nặng nhẹ, và trong các trường hợp tội rất nặng thì được phạt tử hình. Cũng vì lý do trên, các nhà cầm quyền được phép dùng võ khí để đẩy lui những kẻ gây hấn khỏi địa phương mình chịu trách nhiệm. Hình phạt có hậu quả trước hết là để bù trừ sự mất trật tự do tội gây ra. Nếu phạm nhân tự nguyện chịu phạt thì hình phạt có giá trị đền tội. Hình phạt còn có hậu quả bảo vệ trật tự công cộng và an ninh của mọi người. Sau hết, hình phạt cũng có giá trị sửa chữa, phải làm hết sức mình cho nó giúp phạm nhân đền bù tội (x.Lc 23, 40-41). Nếu chỉ dùng những biện pháp không đổ máu cũng đủ để bảo vệ trật tự an ninh thì nhà cầm quyền nên sử dụng, vì như thế phù hợp hơn với lợi ích chung và phẩm giá con người.

III. Những Tội Nghịch Điều Răn V

1. Tội cố ý giết người

Ai trực tiếp và cố ý giết người là phạm tội nặng. Kẻ giết người cũng như kẻ cố ý cộng tác trong việc giết người đều phạm tội kêu oán thấu trời (x. St 4,10). Giết con cái, anh em, cha mẹ, người bạn hôn phối của mình là những tội nặng đặc biệt, vì cắt đứt cả tình nghĩa máu mủ tự nhiên. Ai cố ý gây chết cho người khác cách gián tiếp, nghĩa là để mặc cho người khác phải nguy tử, hoặc từ chối giúp người đang gặp nguy tử cũng phạm đến điều răn nầy. Trừ khi có lý do quan trọng (để mặc người khác chết đói mà không tìm cách giúp là tội nặng).

2. Phá thai

Phải tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc thụ thai làm người. Đã là người, là phải được nhìn nhận có quyền của con người, trong đó quyền được sống của người vô tội là quyền bất khả xâm phạm (x. CDF 1,1). Ngay từ khi thụ thai, bào thai phải được đối xử như một nhân vị, được bảo vệ toàn vẹn, được chăm sóc chữa trị với hết khả năng như mọi người khác. Ngay từ thế kỷ I, Hội Thánh đã khẳng định rằng mọi cuộc cố tình phá thai là trái luân lý. Giáo huấn nầy vẫn không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai nghĩa là dùng việc phá thai như một mục đích, hay một phương tiện đều trái luật luân lý cách nặng. “Phá thai và giết trẻ em là tội ác ghê tởm” (MV 51,3). Cộng tác tích cực vào việc phá thai cũng là tội nặng. Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội đó “Ai thực hiện việc phá thai có kết quả thì mắc vạ tuyệt thông” (CIC số 1348), làm như thế Hội Thánh không muốn thu hẹp lòng thương xót, nhưng muốn nêu bật sự trầm trọng của tội phá thai, và sự thương tổn không thể nào sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ và cho cả xã hội. Sản xuất các thai nhi để khai thác như vật liệu cho sinh học cũng là vô luân lý.

3. Làm chết êm dịu

Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Trực tiếp làm cho họ được chết êm dịu, là không thể chấp nhận được về luân lý, dù với bất cứ lý do hay trong phương tiện nào, vì nghịch với phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu ngưng dùng các thuốc quá tốn kém, nguy hiểm, quá khác thường hoặc không xứng với kết quả mong muốn, và vì thế đương sự phải chết thì hợp pháp. Vì không phải muốn làm chết, nhưng chỉ là chấp nhận không thể ngăn được sự chết. Nhưng việc nầy phải được chính bệnh nhân, hay người hưởng quyền trước pháp luật quyết định.

4. Tự sát

Mỗi người có trách nhiệm trước Thiên Chúa về sự sống của mình, vì Thiên Chúa mới là chủ tối cao của sự sống, phần ta phải đón nhận sự sống với lòng biết ơn, và bảo vệ nó vì danh dự và vì ơn cứu độ cho linh hồn. Ta chỉ là quản lý chứ không làm chủ sự sống. Tự sát là tội nặng nghịch lý với đức công bằng, đức cậy và đức ái, vì nó nghịch với bản năng sinh tồn, nghịch nặng với lòng yêu mình cách chính đáng, xúc phạm đến đức yêu người, vì cắt đứt cách bất công mối tình liên đới bó buộc mình phải có với gia đình, đất nước và nhân loại, nhất là nghịch với Thiên Chúa hằng sống. Cố ý cộng tác vào việc tự sát là việc trái luân lý. Tự sát vì bị thần kinh rối loạn nặng, vì quá lo âu sợ hãi trước thử thách, trước đau khổ, hoặc bị tra tấn thì trách nhiệm giảm đi. Ta không nên tuyệt vọng coi người tự sát là đã mất ơn cứu độ, vì Thiên Chúa có đủ cách để tạo cơ hội cho họ ăn năn sám hối. Hội Thánh cầu nguyện cho những người muốn hủy hoại mình.

IV. Tôn Trọng Phẩm Giá Con Người

Điều răn V không chỉ ngưng lại ở những cấm đoán, nhưng còn mời gọi tôn trọng sự sống cách tích cực và toàn diện.

1. Tôn trọng sự sống thiêng liêng

Làm gương xấu là cám dỗ người khác, là phá hoại nhân đức và sự ngay chính, là lôi kéo người khác vào chỗ mất linh hồn. Gương xấu là tội nặng, khi dùng hành động hoặc không hành động để cố tình làm cho người khác phạm tội nặng. Gương xấu trở thành tội nặng đặc biệt tùy theo uy thế của người gây ra. (Thầy dạy, nhà giáo dục) (x.Mt 7,15) và tùy theo sự yếu đuối của người chịu ảnh hưởng của nó. “Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (MT 18,6). Luật pháp, cơ chế, thời trang, dư luận đều có thể gây gương xấu, và bất cứ người nào cũng có thể gây ra gương xấu, làm gương xấu thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả xấu mà mình trực tiếp hay gián tiếp gây ra. “Không thể không có gương xấu, nhưng khốn cho ai làm gương xấu” (Lc 17,1).

2. Tôn trọng sức khỏe

Sự sống và sức khỏe phần xác là những của cải quý báu Thiên Chúa trao ban, ta phải chăm lo cho hợp lý, đồng thời phải tôn trọng những nhu cầu của người khác và của công ích. Xã hội phải trợ giúp để chăm lo sức khỏe cho công dân có đủ điều kiện sinh sống để phát triển và đạt tới mức trưởng thành như: ăn, mặc, nhà cửa, việc làm, trường học… Tuy nhiên, luân lý không cổ võ cho việc tôn thờ thân xác, dùng tất cả mọi sự chỉ để lo sắc đẹp và thành công về thể thao. Cần phải giữ nhân đức tiết độ, tránh mọi thứ thái quá về ăn nhậu, hút thuốc, dùng thuốc. Những người nghiện rượu hoặc ham chạy xe tốc độ cao, gây nguy hiểm đến sự an toàn của người khác, cũng như chính mình đều có tội nặng. Dùng ma túy làm hủy hoại sức khỏe và sự sống mình là tội nặng, trừ khi để chữa bệnh thực sự. Việc lén sản xuất và buôn lậu ma túy đều là hành vi gây gương xấu, vì là trực tiếp cộng tác để dẫn đến những việc trái luân lý nặng.

3. Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học

Những nghiên cứu của khoa học, y học hay tâm lý học về con người hoặc về các nhóm người, có thể giúp chữa trị bệnh tật và thăng tiến sức khỏe của mọi người. Nhưng để tìm tòi và nghiên cứu trên thân thể con người, không thể cho phép những hành vi tự chúng nghịch với phẩm giá con người và luật luân lý, dù đương sự đó có ưng thuận cũng không được. Việc thí nghiệm như thế cũng không hợp pháp, nếu nó có thể gây cho sự sống hoặc sự vẹn toàn thể lý hay tâm lý của đương sự những rủi ro không tương xứng và có thể tránh được. Những thí nghiệm trên thân thể con người đều không phù hợp với phẩm giá con người, nếu lại không được đương sự hay người có thẩm quyền ưng thuận rõ ràng. Ví dụ: Việc cắt và cấy các cơ quan của người nầy cho người kia.

4. Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể

Những vụ bắt cóc và bắt làm con tin để gây kinh hoàng, và dùng đe dọa gây áp lực khủng khiếp cho nạn nhân, đều không hợp luân lý. Việc khủng bố bằng đe dọa, gây thương tích và giết chết không cần phân biệt gì cả, là nghịch nặng với đức công bằng và bác ái. Việc tra tấn dùng bạo lực đối với thân xác hay tinh thần cốt để lấy cung, để trừng phạt phạm nhân, gây khiếp sợ cho kẻ chống đối, thỏa mãn lòng căm thù, đều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá họ. Việc cố ý trực tiếp cắt bỏ hoặc làm vô sinh một phần thân thể của những người vô tội đều trái luật luân lý, trừ khi lý do chữa trị theo y học.

5. Tôn trọng người chết

Phải chú ý chăm sóc người đang hấp hối, để giúp họ sống những giây phút cuối đời trong danh dự và an bình, bằng lời cầu nguyện, và giúp họ lãnh các bí tích để họ sửa soạn gặp gỡ Thiên Chúa. Xác người qua đời phải được kính trọng yêu mến với niềm tin và hy vọng xác sẽ sống lại. Việc chôn cất người chết là việc thương xót thể xác, để tỏ lòng kính con cái Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Việc hiến tặng các phần thân thể sau khi chết là hợp pháp và đáng khen. Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu không tổn hại đến niềm tin về việc xác sống lại (x.CIC số 1176,3).

V. Bảo Vệ Hòa Bình

  1. Khi Chúa dạy: “chớ giết người” là đòi hỏi có hòa bình trong tâm hồn, và tố cáo rằng sự giận ghét đến giết người là vô luân lý. Muốn trả thù cho điều xấu do người đáng phải phạt gây ra là bất hợp pháp, nhưng nên bắt họ đền bù để họ sửa tính xấu và gìn giữ công bằng. Nếu giận đến nỗi cố tình giết hoặc gây thương tích nặng thì phạm tội nghịch đức ái (x.MT 5,22). Ghét người là tội khi cố ý muốn điều xấu cho họ. Ghét người thành tội nặng khi cố ý muốn điều nặng cho họ “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em” (Mt 5,44-45). “Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không giản lược vào việc cân bằng giữa các lực lượng đôi bên” (MV 78). Không thể có hòa bình ở trần gian nếu không duy trì được những lợi ích của mọi người, sự giao lưu tự do giữa mọi người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc và tình huynh đệ bền vững. Hòa bình là “có trật tự yên ổn”, là “công trình của công bằng”, là “hiệu quả của đức ái” (x.MV 78). Hòa bình dưới thế là hình ảnh của hoa trái của hòa bình Chúa Kitô, là “Hoàng tử Hòa bình” (Is 9,5) là Đấng đã tuyên bố “Phúc cho ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).
  2. Tránh chiến tranh: Vì chiến tranh nào cũng gây bao tai họa và bất công, nên Hội Thánh thôi thúc mọi người cầu nguyện và hoạt động để “lòng nhân từ” Thiên Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ chiến tranh. Tuy nhiên, bao lâu còn có nguy cơ xảy ra chiến tranh, và bao lâu chưa có một uy quyền quốc tế có thẩm quyền và có trong tay những lực lượng đầy đủ, người ta sẽ không thể khước từ quyền tự vệ chính đáng của các nhà cầm quyền, một khi đã tận dụng các khả năng dàn xếp hòa bình (MV 79,4). Để có thể thi hành quyền tự vệ chính đáng bằng quân lực, cần xem xét để hội đủ các điều kiện sau:
  • Những thiệt hại do bên gây hấn gây ra cho quốc gia và cho cộng đồng các quốc gia phải lâu dài, nặng nề, và chắc chắn.
  • Tất cả những phương tiện khác để chấm dứt tình trạng trên, tỏ ra không thực thi được hoặc vô hiệu quả.
  • Có đủ những điều kiện nghiêm chỉnh để thành công.
  • Việc sử dụng võ khí không mang lại những tai hại và xáo trộn nghiêm trọng, hơn là tai hại cần phải loại trừ. Muốn có điều kiện nầy cần phải cân nhắc kỹ đến sức mạnh hủy diệt của các phương tiện chiến tranh hiện đại. Trong trường hợp phải tiến hành chiến tranh tự vệ, chánh quyền có quyền và bổn phận áp đặt trên công dân những nghĩa vụ cần thiết cho việc quốc phòng. “Đối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận nầy họ thực sự đóng góp vào việc cũng cố hòa bình”? (MV 79,5). Tuy nhiên, dù trong chiến tranh, lúc nào các luật luân lý cũng có hiệu lực, “không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn mà các đối phương đều được cho phép làm gì thì làm” (Mv 79). Phải tôn trọng và đối xử nhân đạo với những người không chiến đấu, với thương binh và tù binh. Những hành động cũng như những lệnh truyền được suy tính nhưng trái với nhân quyền và trái với các nguyên tắc phổ quát đều là tội ác. Cần phải chống lại những mệnh lệnh như vậy. “Mọi hành vi chiến tranh nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hoặc những vùng rộng lớn với dân cư ở đó, là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Cần phải cực lực và không ngần ngại lên án những tội ác đó” (MV 80). Các võ khí hiện đại như võ khí hạch tâm hay hóa học, rất dễ dàng gây nên những tội ác như vậy.
  • Việc chạy đua vũ khí khi không bảo đảm hòa bình mà “là một vết thương trầm trọng của nhân loại, và nó xúc phạm người nghèo một cách không thể tha thứ được” (MV 81). Việc sản xuất và buôn bán vũ khí có ảnh hưởng đến công ích của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Các chính phủ có quyền và bổn phận điều chỉnh việc đó. Việc tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân hay cho cộng đồng, không thể biện minh cho những hành động chỉ khơi thêm bạo lực và tranh chấp giữa các quốc gia, tác hại đến trật tự pháp lý quốc tế. Chính những bất công, những chênh lệch quá ư về kinh tế hay xã hội, sự ghen tương, ngờ vực và kiêu ngạo đang sôi sục giữa mọi người và mọi dân tộc, vẫn không ngừng đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh. Thực vậy. “Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, thì hiểm họa chiến tranh còn đe dọa, và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô lại đến. Tuy nhiên, chừng nào nhờ sự hiệp nhất trong tình thương, con người thắng vượt được tội lỗi thì cũng thắng vượt được bạo lực, cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: “Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày, và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và không còn tập luyện chiến tranh nữa” (MV 78). “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC