Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 55: ĐIỀU RĂN VIII: TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Bài 55: ĐIỀU RĂN VIII: TÔN TRỌNG SỰ THẬT

(x. SGLC từ 2464 đến 2513)

“Ngươi không được làm chứng dối chống lại đồng loại”. (Xh 20,16). “Thầy bảo cho anh em biết: Đừng thề chi cả… Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (Mt 5,33).

“Ai yêu thương, người ấy chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Nhưng tình yêu đích thực phải được hướng dẫn và soi sáng bởi chân lý, và chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta. (x.Ga 8,32).

 

I. Sống Trong Sự Thật Và Làm Chứng Cho Sự Thật

Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau và thành thật với nhau. Không có sự thành thật, cuộc sống chung sẽ rất nặng nề, vì người ta phải thường xuyên cảnh giác và lo sợ. Đối với người Kitô hữu, lời mời gọi sống theo sự thật được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Cựu Ước xác quyết rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thật. Lời Ngài là chân lý. Vì Thiên Chúa là chân lý, nên dân của Ngài được mời gọi sống trong sự thật (Rm 3,4). Nơi Đức Giêsu Kitô, toàn bộ chân lý của Thiên Chúa được bày tỏ. Đức Giêsu là chân lý (Ga 14,6), đến trong thế gian để làm ánh sáng cho cuộc đời. Bước theo Đức Giêsu là sống trong “Thánh Thần chân lý”, Đấng dẫn đưa chúng ta vào “tất cả sự thật” (Ga 16,13). Vì thế, người môn đệ Đức Giêsu phải là người yêu mến sự thật “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,33); nghĩa là thành thật, chân thành trong lời nói cũng như trong việc làm, không giả hình, không gian dối. Không những sống trong sự thật, Kitô hữu còn được mời gọi làm chứng cho sự thật, theo gương Đức Giêsu, Đấng “đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vì Chúa Kitô chính là sự thật, nên làm chứng cho sự thật cũng là làm chứng cho Chúa Kitô, cho niềm tin vào Ngài, cho Tin Mừng của Ngài “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta ” (2Tm 1,8). Các vị Tử Đạo là những chứng nhân tuyệt vời. Các ngài đã làm chứng cho Chúa Kitô chết và sống lại, cho chân lý đức tin, và các ngài đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình. Chính vì thế, Hội Thánh tôn kính các vị Tử Đạo cách đặc biệt, và ân cần lưu giữ bút tích về chứng tá của các ngài.

II. Tội Phạm Chống Lại Sự Thật

Người Kitô hữu được mời gọi “mặc lấy con người mới… để sống thật công chính và thánh thiện. Và khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận” (Ep 4,24-25). Tuy nhiên trong thực tế, ta có thể sống không phù hợp với sự thật bằng nhiều cách khác nhau:

1. Thề gian, làm chứng dối

Những hành động nầy gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác, vì ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án, dẫn đến chỗ kết án người vô tội, hoặc gia tăng hình phạt cho phạm nhân; hay ngược lại, đồng lõa với tội phạm.

2. Không tôn trọng danh dự người khác

Phán đoán liều lĩnh là kết tội người khác khi không có đủ bằng chứng. Để tránh tội nầy, phải rất cẩn thận và phải giải thích tốt hết sức có thể, tư tưởng và hành vi của người khác. Nói hành nói xấu là phơi bày lỗi phạm của người khác cho người chưa biết, mà không có lý do gì vững chắc. Vu khống, cáo gian làm thiệt hại thanh danh người khác, và dẫn đến những phán đoán sai về họ. Những lỗi phạm nầy hủy hoại danh thơm tiếng tốt của người khác, và vì thế, đi ngược lại đức công bằng và bác ái.

3. Nói dối

Đây là lỗi phạm thường xuyên nhất. Nói dối là nói ngược với sự thật, khiến người khác bị lầm lạc, đang khi họ có quyền được biết sự thật. Mức độ tội phạm có thể khác nhau, tùy theo bản chất lời nói dối, hoàn cảnh và ý định của người nói dối, cũng như thiệt hại mà lời đó gây nên cho người khác. Vì thế ở tự nó, nói dối chỉ là tội nhẹ, nhưng trong một số trường hợp, nó trở thành tội nặng vì đi ngược lại đức công bằng và đức ái. Tất cả những lỗi phạm đi ngược lại đức công bằng và đức ái, đòi hỏi phải được đền bù, kể cả khi người có tội đã được tha thứ. Khi không thể đền bù cách công khai, phải đền bù cách kín đáo. Đó là đòi hỏi của lương tâm.

III. Tôn Trọng Và Phục Vụ Sự Thật

1. Tôn trọng sự thật

“Bác ái trong sự thật và sự thật trong bác ái”. Ta có bổn phận phải nói sự thật, nhưng đồng thời, trong một vài trường hợp cụ thể. Đức Ái đòi buộc ta phải cẩn trọng xem xét có nên nói sự thật cho người khác không, vì có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Ích lợi và an ninh của người khác, tôn trọng đời tư, công ích: đó là những lý do đủ để ta có thể im lặng, không nói điều không nên nói, hoặc nói tránh đi. Không ai bị bó buộc phải nói cho người khác điều mà họ không có quyền biết. Chính ở đây, xuất hiện tầm quan trọng của bí mật tòa giải tội. Ấn tòa giải tội là bí mật bất khả xâm phạm. Vì thế sẽ là trọng tội nếu cha giải tội phản bội hối nhân, bằng lời hay cách thế nào khác và vì bất cứ lý do gì (x. Giáo luật 983). Ngoài ra còn có những bí mật về nghề nghiệp, hoặc những tâm sự đòi hỏi được giữ kín. Chỉ được phép nói ra vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng, hoặc vì tai nạn có thể xãy ra nếu không nói.

2. Những phương tiện truyền thông

Trong thời đại hiện nay, những phương tiện truyền thông phát triển rất nhanh, và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thông tin, đào tạo và phát triển văn hóa. Những phương tiện truyền thông đó phải nhằm mục đích phục vụ công ích, đặt nền tảng trên sự thật, tự do, công bằng và tình liên đới. Trong thực tế, vì ảnh hưởng của lợi nhuận kinh tế và những động lực chính trị, người ta đã bóp méo sự thật, và làm cho nhiều người mất đi khả năng đón nhận chân lý (Đức Gioan Phaolô II). Vì thế, người tín hữu phải tự tạo cho mình một kỷ luật và khả năng phán đoán, dựa trên thang giá trị của Tin Mừng, để biết đánh giá đúng mức và tiếp thu những gì tốt đẹp qua các phương tiện truyền thông (x. TT 10).

3. Mỹ thuật Thánh

Ngôn ngữ là một trong những phương thế diễn tả và truyền thông chân lý, nhưng không phải là phương thế duy nhất. Hơn thế nữa, có những chân lý mà ngôn ngữ con người không sao diễn tả nổi, nhất là chân lý về Thiên Chúa “Đấng ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, vô phương đạt thấu”. Vì thế, còn có nhiều phương thế khác để diễn tả chân lý, đặc biệt là Mỹ Thuật mà Hội Thánh quan tâm đề cao “Trong những hoạt động cao quý nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo, mà tột đỉnh của nghệ thuật nầy chính là nghệ thuật Thánh” (PV 122). Vì thế, từ việc xây cất nhà thờ, trưng bày ảnh tượng hay những tác phẩm tôn giáo, phải quan tâm xem xét để tất cả phục vụ cho chân lý Đức Tin “góp phần tích cực vào việc đạo đức, là hướng tâm người ta về cùng Chúa” (PV 122).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC