(x. SGLC từ 200 đến 231)
“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Đnl. 6,4-5) “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác… Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Đức Chúa mới có thể làm điều công chính và mới có sức mạnh”. (Is. 45,22-24)
Khi chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, là chúng ta tin vào Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã mặc khải danh Người cho ông Môsê, và là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.
I. Thiên Chúa duy nhất
Chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa chỉ có một, là Chúa duy nhất, bởi vì “nếu Thiên Chúa không duy nhất thì không phải là Thiên Chúa” (Tertuliano). Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bắt đầu từ trong Cựu ước. Khi Thiên Chúa kêu gọi và chọn Ít-ra-en làm dân riêng và thiết lập giao ước. Người tỏ cho dân thấy: Người là Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có Chúa nào khác và phải phụng thờ một mình Người (Đnl 4,39). Trong giao ước Xi-nai (Mười điều răn) điều răn thứ nhất thật rõ ràng: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3).
- – Mỗi lần Ít-ra-en đi theo thần khác, các ngôn sứ đều nhắc nhở và kêu gọi họ trở về với Chúa là Thiên Chúa duy nhất (xls 45,22-24). Vào thời Đức Giêsu, tất cả các người Ít-ra-en đều đọc mỗi ngày những lời sau đây: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).
- – Niềm tin của Cựu Ước vào Thiên Chúa duy nhất, đã được chính Đức Giêsu xác nhận cách chính thức, khi dạy phải yêu mến Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất “hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30). Và Tân Ước cũng tái xác nhận niềm tin này khi phải đối đầu với đa thần giáo của dân ngoại (x.1 Cr 8,4; Ep. 4,6..)
III. Thiên Chúa mặc khải tên Người
Nói tên mình cho người khác là muốn có tiếp xúc trao đổi để hiểu biết thông cảm. Tên chỉ người, một con người độc đáo mà người khác có thể gọi đích danh và trở nên gần gũi – Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân Ít-ra-en và cho biết tên của Người. Thiên Chúa có một tên gọi: Người có thể nói với chúng ta và chúng ta có thể nói với Người. Người không phải là một Thiên Chúa câm nín, nhưng là Thiên Chúa tự bộc lộ ra và người ta có thể tiếp xúc với Người.
Thiên Chúa tỏ mình cách tiệm tiến và với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng việc Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê nơi bụi gai rực cháy, được coi là mặc khải căn bản nhất trong Cựu Ước và Tân Ước “Ta là Đấng Hiện Hữu” (YHWH) (Xh 3,13-15). Tên gọi nầy của Thiên Chúa cũng mầu nhiệm như chính Thiên Chúa: đó vừa là ý Chúa muốn tỏ mình cho ta, vừa là từ chối không cho biết Người. Thật ra Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì con người có thể hiểu biết hay diễn tả, nhưng đồng thời Người cũng rất gần gũi con người.
Người là Thiên Chúa hằng sống, đã từng kêu gọi và hướng dẫn các tổ phụ. Người là Thiên Chúa trung thành với các lời đã hứa, là Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ và đưa vào đất hứa. Người là Thiên Chúa luôn có mặt với dân Người đã chọn, nhận lời họ kêu cầu, bảo vệ và giải thoát khỏi các thù địch, vì Người là “Đấng Hiện Hữu”. Dân Ít-ra-en đã bất trung với Chúa và phản bội giao ước, nhưng “Đấng Hiện Hữu” vẫn trung thành mãi mãi, “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ”. (Xh 34,7) vẫn là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), “đến nổi đã ban Con Một” (Ga 3,16): Đức Giêsu đã quả quyết rằng: Người cũng mang tên gọi thần linh, khi hiến mình giải thoát chúng ta trên thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Cuối cùng Thánh danh: “Đấng Hiện Hữu” còn quả quyết rằng: chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu, bất biến, không có khởi đầu và không có tận cùng. Ngoài ra “muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36), và “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28).
III. Thiên Chúa là chân lý và tình yêu.
Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en là Thiên Chúa “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Đây là hai đặc tính căn bản nói lên tất cả những nét phong phú của danh Thiên Chúa. Trước hết Thiên Chúa là chân lý. Người không thể lừa dối, luôn trung thành thực hiện các lời đã hứa. Con người có thể hoàn toàn tin cậy vào tính chân thực và lòng trung thành của Chúa trong lời nói cũng như việc làm của Người. Tội lỗi của ông bà nguyên tổ chính là nghi ngờ về tính chân thật và lòng trung thành của Thiên Chúa. “Căn nguyên lời Ngài là chân lý Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 118,160) “Lạy Chúa Thượng là Đức Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý” (2 Sm 7,28) “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,13) Con Thiên Chúa xuống thế gian làm người “là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật” (1 Ga 5,20). Thiên Chúa không chỉ là chân lý mà còn là tình yêu. Trải qua dòng lịch sử. Ít-ra-en đã khám phá ra rằng: họ được Thiên Chúa mặc khải và tuyển chọn, hoàn toàn là vì tình yêu nhưng không của Người. Cũng chính tình yêu đó đã không ngừng giải thoát và tha thứ những bất trung của dân được chọn. Đó là tình yêu của cha đối với con (x.Hs 11,1), tình yêu của chồng đối với vợ (x.Is 62, 4-5) bất chấp phản bội (x.Ed 16; Hs 11). Tình yêu đó đi tới tột đỉnh khi Thiên Chúa trao ban Con Một cho chúng ta (x.Ga 3,16). “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Nhưng mặc khải Tân Ước đã đi xa hơn, đi tới ngọn nguồn khi xác quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8: 16). Bản thân Thiên Chúa là tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Người muốn và ban khả năng cho ta thông phần vào tình yêu nầy, nên đã sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với ta.
IV. Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất, Đấng hiện hữu làm cho mọi vật được hiện hữu. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa và Người làm chủ mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.
- 1. Đứng trước Thiên Chúa cao cả và bí nhiệm, con người khám phá và nhận ra mình bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi. Nhưng sự cao cả siêu việt của Thiên Chúa không đè bẹp con người mà nâng họ dậy, làm cho họ tin tưởng, và mời gọi họ thông phần vinh quang với Người. Ông Môsê được lệnh phải cởi dép ra khi đến với Thiên Chúa chí thánh, và dù thấy mình bất tài, ông vẫn được sai đi để trở thành vị cứu tinh của Dân được chọn (x.Xh 3,1-12). Trước vinh quang thánh thiện Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-a phải kêu lên và hốt hoảng vì sự ô uế của mình, nhưng rồi ông đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (x.Is 6,18). Ông Phêrô đã nhận ra sự yếu hèn trước Đấng Thánh của Thiên Chúa (Lc 1,35): “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”, nhưng sau đó, ông đã cùng với các bạn đi theo Người làm môn đệ (x.Lc 5,8-11). Thái độ căn bản và thường xuyên của người tín hữu Kitô là khiêm tốn. Khiêm tốn là ân huệ Chúa ban, để con người nhận ra và sống bản chất đích thực của mình mà tôn thờ Thiên Chúa duy nhất cho phải đạo, nhưng thái độ và tâm tình khiêm tốn chỉ có được tùy ở mức độ con người gặp gỡ, hiện diện với Thiên Chúa. Nếu loài người được Chúa yêu thương (x.Lc 2,14), thì những người khiêm nhường bao giờ cũng là những người đầu tiên đón nhận tình thương nầy (x.GLCG 725) (x.lPr 5,6).
- 2. Thiên Chúa cao cả vô song đã đoái thương tỏ mình ra cho con người, cho biết danh thánh của Người, ngỏ lời với họ như với bạn hữu (MK 2). Trước tấm lòng ưu ái và ân cần của Thiên Chúa nhân lành, tâm tình hợp lý và chính đáng của con người phải là tri ân và cảm tạ. “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5,18).
- 3. Tin rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính mình, đã đối thoại với con người (x.Br 3,38) và hằng lắng nghe con người, nhất là qua Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta có thể tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kêu cầu Người trong mọi lúc. “Khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời” (TV 4,4) “Con kêu lên Ngài lạy Thiên Chúa. Vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu” (TV 16,6).