Tủ Sách Giáo LýGiáo lý Công GiáoBài 8: THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG

Bài 8: THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG

(x SGLC từ 0268 đến 0314)

“Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu”. (Tv 8,2) “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, Đêm này kể lại với đêm kia Chẳng một lời một lẽ Chẳng nghe thấy âm thanh Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18,2-5)

Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần, là Đấng Toàn Năng đã lấy khôn ngoan và tình thương mà sáng tạo muôn vật hữu hình và vô hình “để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng ánh sáng huy hoàng” (Kinh Tạ Ơn IV), và Người còn luôn chăm sóc hướng dẫn mọi thụ tạo. Vì thế Chúa Kitô mời gọi ta tín thác nơi Thiên Chúa quan phòng với tình con thảo (x.Mt 6,26-34). Còn thánh Phêrô nhắn nhủ: “mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7)

 

I.   Giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo rất quan trọng cho cả đời người.

Con người ở mọi thời mọi nơi đều vẫn thắc mắc mình từ đâu đến, đi về đâu, mình bắt nguồn từ đâu, mục đích đời người là gì, mọi vật hiện hữu bởi đâu đến và đi về đâu… Trí tuệ con người chỉ có thể giải đáp một phần, nhưng rất thiếu sót và chưa thỏa đáng. Thế mà việc biết đúng nguồn cuội và cùng đích đời người lại là hai việc tối quan trọng không thể tách rời nhau, vì chung quyết định về ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời cũng như mọi hành động của con người. Vì thế Thiên Chúa đã mặc khải dần dần qua lịch sử cứu độ, khi tuyển chọn dân tộc Ít-ra-en và ký kết giao ước với họ (x. ba chương đầu của Sách Sáng Thế). Sau cùng Chúa Kitô đã đến mặc khải trọn vẹn và dứt khoát để giúp ta hiểu rằng nguồn cuội và cùng đích đời người cũng như vũ trụ vạn vật chính là Thiên Chúa.

II.   Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.

Kinh Tin Kính tuyên xưng “Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”: Thế giới hữu hình: Tất cả mọi tạo vật hữu hình đều do Thiên Chúa sáng tạo, mỗi vật đều “có sự vững chãi, chân thực và tốt lành, cùng với trật tự và những định luật riêng” (MV 36); mỗi vật đều phản ánh một phần sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa; không vật nào có thể tự mãn, nhưng phải tùy thuộc lẫn nhau, để bổ túc và phục vụ cho nhau; mỗi vật ở một cấp bậc khác nhau từ kém đến hoàn hảo hơn, nhưng con người là chóp đỉnh của tạo thành, vì được tạo dựng riêng biệt (x.St 1,26). Thế giới vô hình: gồm các vật thuần thiêng, không có thể xác, Kinh Thánh gọi là thiên thần. Đó là các tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Các ngài có trí tuệ, ý chí, ngôi vị và bất tử, vì thế hoàn hảo hơn các thụ tạo hữu hình. Các ngài được dựng nên để phục vụ suốt dòng lịch sử cứu độ: từ việc đóng cửa Vườn Địa Đàng (x.St 3,24) qua biến cố báo tin Chúa Kitô xuống thế làm người (Lc 1,26) đến việc “phúc âm hóa muôn dân” (x.Lc 2,10) sau cùng là tập họp muôn dân từ bốn phương lại để Chúa Kitô phán xét chung (x.Mt 24,31). Trong thánh lễ, Hội Thánh hiệp với các thiên thần để ca tụng Thiên Chúa chí thánh. Và trong cuộc sống “mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ mệnh để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời” (Thánh Ba-xi-li-ô). “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra: rất là tốt đẹp” (St 1,31).

III.     Sáng tạo là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đấng toàn năng và quan phòng. Ta thường nghĩ rằng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa, vì Kinh Tin Kính tuyên xưng như vậy. Thực ra, toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa bao gồm sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, đều là công trình chung của cả Ba Ngôi, Thiên Chúa đã sáng tạo “để làm vinh quang danh Người và tạo nên hạnh phúc cho chúng ta” (TG 2). Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì Chúa làm nên” (Lc 1,113B,3); “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37); “Đấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4,17). Người đã tạo dựng muôn vật từ hư vô, không cần gì vật có trước, không cần trợ giúp (x.DS 3022). Thiên Chúa còn là Cha (x.Mt 6,9) nên sau khi sáng tạo Người vẫn tiếp tục chăm sóc và điều khiển mọi thụ tạo (Mt 6,32) “một cách cụ thể và trực tiếp”, để tất cả mọi người mọi vật từ tình trạng tốt lành và hoàn hảo ban đầu có thể tiến hóa dần dần đến mức hoàn hảo như ý Người muốn. Hội Thánh gọi công việc đó là việc Thiên Chúa quan phòng.

IV.    Tại sao có sự xấu, sự dữ?

Thiên Chúa toàn năng đầy khôn ngoan và giàu tình thương đã sáng tạo muôn vật đều tốt lành nhưng chưa toàn hảo, vì Người muốn chúng còn “ở trong tình trạng hành trình” qua dòng thời gian, để liên đới bổ túc cho nhau mà tiến hóa tới mức toàn hảo sau cùng. Trong quá trình tiến hóa đó, có vật trở nên tốt hơn, có vật xấu hơn và bị đào thải. Do đó cùng với sự tốt thể lý, cũng có sự xấu thể lý. Còn thiên thần và con người là thụ tạo có trí tuệ và tự do, cũng phải tiến tới cùng đích của mình bằng cách chọn lựa cho mình trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Và thực sự họ đã chọn lựa sai lầm để phạm tội. Do đó, sự xấu luân lý đã nhập vào thế gian. Như thế, sự xấu, sự dữ luân lý đều không do Thiên Chúa muốn, dầu là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên Người để chúng xảy ra, vì Người tôn trọng tự do của thụ tạo, và vì Người có thể rút từ sự xấu, sự dữ ấy ra sự lành còn tốt đẹp hơn gấp bội nữa (x.St 45,8; 50,20; Rm 5,20) Đây là một huyền nhiệm, huyền nhiệm về sự xấu, sự dữ mà chỉ một mình Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại mới mặc khải được, và chỉ tới ngày được giáp mặt với Thiên Chúa ta mới hiểu hết được. (x.1 Cr 13,12)

V.   Thiên Chúa sáng tạo và cuộc sống con người hôm nay.

Người Việt Nam rất quen thuộc với Trời, gặp chuyện tốt xấu may rủi đều kêu trời, coi trời như Tạo Hóa: ngẫm hay muôn sự tại trời; trời sinh voi, trời sinh cỏ; cha mẹ sinh con, trời sinh tính… Nhiều người còn lập bàn thờ “ông Thiên” để tỏ lòng hiếu thảo với Trời. Người Việt Nam cùng khao khát hạnh phúc và luôn cầu Trời cho mình được “Phúc Lộc Thọ” và gặp mọi sự may mắn. Vì thế, giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng không xa lạ với ta, trái lại giúp ta hiểu sâu sắc hơn; Trời chính là Thiên Chúa, là chủ trời đất, là Cha Toàn Năng yêu thương. Giáo lý ấy phải giúp ta có thái độ đúng đắn hơn.

  • 1. Đối với Thiên Chúa: Biết Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, còn ta là con và là thụ tạo của Người, nên ta không lo Người bất lực, bất trung, không sợ Người làm mất phẩm giá và tự do của ta. Trái lại, ta yêu mến tôn thờ Người trên hết mọi sự với tình con thảo. Biết Thiên Chúa quan phòng chăm sóc điều khiển mọi vật mọi loài, nên ta nghe lời Chúa Kitô dạy để hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng (Mt 65,31-33), cứ lo chuyên cần lao động và phát minh… theo khả năng của ta, Người sẽ giúp ta thành tựu theo chương trình của Người: mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
  • 2. Đối với mọi người mọi vật: Biết mọi người mọi vật đều là thụ tạo như nhau, nên ta không sợ hãi hoặc tôn thờ bất cứ ai hay vật gì. Mỗi người mỗi vật lại đều phản ánh sự khôn ngoan và tình thương của Thiên Chúa, nên ta không kÿ thị, không gây ô nhiễm cho môi sinh, không hủy diệt chúng vô cớ. Trái lại, ta tuân giữ “điều răn mới về tình yêu của Chúa Kitô, đó là luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải tạo thế giới”, nghĩa là “biến cải cuộc sống mình trở nên nhân đạo hơn, và quy phục trái đất” (Mv 38) về một đích là “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).
  • 3. Đối với sự xấu, sự dữ: Biết Thiên Chúa đã sáng tạo mọi loài vật tốt đẹp, và sự xấu sự dữ không do Thiên Chúa, nên ta không bất mãn với Thiên Chúa, hoặc tuyệt vọng trước sự dữ. Trái lại, ta noi gương Chúa Kitô để cùng Người chống lại sự dữ dưới mọi hình thức, và cố gắng sống và làm nhiều việc tốt lành để hòa giải những sự dữ với niềm tin tưởng rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

BÀI NÊN XEM

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT KHÁC