Chúng ta có thể nói, điểm nổi bật của Kitô giáo là đức bác ái, vì lẽ, Kitô giáo chính là đạo của tình yêu. Người ngoài Kitô giáo cũng thường nhìn vào đức bác ái của các Kitô hữu để nhận xét và đánh giá về cách sống của họ. Vậy đâu là những điều chính yếu của đức ái Kitô giáo? Chúng ta phải sống đức ái đó ra sao? Là những người sống trong cộng đoàn dòng tu, hơn ai hết, chúng ta lại càng cần phải hiểu rõ và sống đức ái này.
1. Đặc điểm đức ái Kitô giáo
Để có thể hiểu được những đặc điểm căn bản của đức ái Kitô giáo, chúng ta phải dựa vào giáo huấn của Đức Kitô trong Phúc âm về vấn đề này.
– Đức ái Kitô giáo trước hết là một nhân đức đối thần. Trong Phúc âm theo thánh Mt, Đức Giêsu đã trả lời cho một luật sĩ về một giới răn trọng nhất: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất, điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy là, phải yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,38-39).
– Đức ái Kitô giáo là hành động yêu thương không mong đáp đền: «Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? … Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hi vọng được đền trả» (Lc 6,27-35).
– Đức ái Kitô giáo là yêu thương cả cừu nhân: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?» (Mt 5,38-47).
– Đức bác ái Kitô giáo là không xét đoán tha nhân: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?» (Mt 7,1-3).
– Đức bác ái Kitô giáo là tha thứ mãi mãi : «Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy» (Mt 18,21-22).
– Đức Giêsu chính là mẫu gương về đức ái cho tất cả chúng ta : «Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34).
2. Đức ái trong cộng đoàn
Đời tu không thể phát triển đầy đủ nếu mỗi người chúng ta không thực thi đức ái. Trong cộng đoàn nếu thiếu đức ái, đời sống chung sẽ rất nặng nề và đau khổ. Cộng đoàn sẽ trở thành một tập thể «nghiền nát và nuốt chửng» từng cá nhân. Tha nhân sẽ trở thành địa ngục của nhau. Quả thế, những thiếu sót về đức ái trong cộng đoàn sẽ gây nên biết bao nhiêu ưu phiền và khó khăn, khiến cộng đoàn sẽ trở nên ngột ngạt, cằn cỗi và thiếu sức sống, tiến dần đến sự chia rẽ và tan rã.
Trái lại, mối dây liên kết các phần tử trong cộng đoàn chính là đức ái. Đức ái chính là nhân tố rất quan trọng tạo nên sinh lực và sức mạnh cho bản thân các tu sĩ và cho cộng đoàn. Nhờ đức ái, tinh thần tự hiến cho nhau được tỏ lộ, và tình huynh đệ trong Chúa Kitô được vun đắp. Với đức ái, mọi người trong cộng đoàn sẽ luôn tìm được những phương thức để thể hiện mối tương giao huynh đệ : tôn trọng, phục vụ, tin tưởng, bàn hỏi, xây dựng, kính phục và khuyến khích lẫn nhau.
3. Những chỉ dụ giúp sống đức ái
Đức Kitô là điểm gặp gỡ và là mối dây liên kết mọi phần tử trong cộng đoàn. Cộng đoàn sẽ trở nên thánh thiện, nếu tình huynh đệ và tình thân hữu gắn bó các phần tử với nhau, được thấm nhuần trong sự hiện diện của Đức Kitô. Chỉ nơi Đức Kitô, chúng ta mới học được bài học yêu thương.
Trước hết và trên hết, chúng ta hãy yêu thương nhau vì Chúa. Tình yêu Thiên Chúa sẽ là nguyên lý và là động lực để chúng ta yêu mến anh em. Tất cả những lý do yêu mến mang tính phàm trần sẽ không thể tồn tại mãi. Chỉ có tình yêu Chúa mới giúp chúng ta yêu thương tha nhân bền vững, dẫu đôi khi gặp khó khăn trở ngại.
Kế đến, chúng ta hãy nhớ, yêu thương là không ước muốn điều xấu cho người khác, không làm điều xấu cho ai, không muốn ai đau khổ… Trái lại, khi yêu thương, chúng ta luôn ước muốn điều lành, tìm kiếm và thực thi điều tốt cho anh em. Thậm chí, trong yêu thương, chúng ta không hy vọng, không mong chờ người khác phải tri ân.
Lại nữa, Chúa còn dạy chúng ta yêu thương cả kẻ thù, yêu thương cả khi người ta đem sự ác báo lại ơn lành của ta. Vì thế, chúng ta không được phép viện vào ác tính của tha nhân để bào chữa cho chính mình. Nếu làm như thế là chúng ta chưa biết yêu như Chúa yêu. Do đó, nếu ai làm cho chúng ta đau khổ, thì đừng bao giờ chiều theo cơn nóng giận, đừng lấy ác báo ác, đừng mất đi sự nhẫn nại, đừng lỗi đức ái trong hành vi, trong ngôn ngữ, trong thái độ và trong thâm tâm.
Sau cùng, chúng ta ai nấy phải biết tự xét mình, chứ đừng xét người khác, phải tự tu chỉnh mình, chứ không tự biện hộ mà phê bình tác phong của người khác. Đồng thời, chúng ta phải biết thông cảm và chấp nhận những khác biệt của nhau. Đừng lấy mình làm trung tâm để xét đoán anh em. Tất cả hãy qui chiếu vào Đức Kitô, lấy Ngài làm khuôn mẫu để rèn luyện chính mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể sống đức yêu thương một cách trọn vẹn.
Hãy nhớ câu : «Cứ dấu này, người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 13,35).
Người Galilê – Dòng Kytô Vua Vĩnh Long