ĐỨC MẾN CỦA ĐỨC KITÔ VƯỢT THẮNG SỰ TÀN ÁC
“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!’ Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.
Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: ‘Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa’”.
Chính trong bài đọc hôm nay, chúng ta biết đến những vị tử đạo đầu tiên cho Đức tin: đó là những bé trai tại Bêlem và toàn vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống. Thiên Chúa đã lật tẩy âm mưu hung ác nhằm giết hại Chúa Hài Đồng của Hêrôđê, vì Ngài là Đấng không thể bị giết chết bởi ý muốn quyền lực của con người. Thay vào đó, Ngài sẽ chịu chết trên Cây gỗ để hoàn tất công trình cứu rỗi nhân loại. Một kế hoạch mà sự khao khát quyền lực mù quáng của Hêrôđê sẽ không bao giờ hiểu hay biết trước được.
Chính người vô tội phải chịu nhiều đau khổ nhất dưới tay của những kẻ tìm kiếm quyền lực chỉ vì quyền lực. Sự Sa ngã [nơi vườn địa đàng] đã khiến nhân loại muốn nắm giữ quyền lực dù chỉ là chút ít. Tuy nhiên, khi cố gắng như vậy, con người luôn phải trả giá. Cái giá ấy có thể là mạng sống của một đứa trẻ chưa kịp chào đời, của người già, người tàn tật, người không tham chiến, người nghèo, hoặc bất kỳ nhóm người tầm thường nào khác; họ chính là những nhóm người không có bất kỳ quyền lực nào.
Những người hâm mộ tiểu thuyết “Chúa tể những chiếc nhẫn” của J.R.R. Tolkien đều nhận ra chủ đề nắm giữ quyền lực xuyên suốt tuyệt tác này. Quyền lực vừa quyến rũ vừa bắt mắt, nên thật khó để quay lưng trước sự cuốn hút của nó. Ý nghĩ có thể kiểm soát cuộc sống của mình cũng như của người khác là một cám dỗ rất lớn. Đó là điều chúng ta phải vật lộn mỗi ngày khi học cách chết đi hơn nữa cho cái tôi và lớn lên trong đức mến đích thực.
Chiếc nhẫn quyền lực mà Chúa tể bóng tối Sauron tìm kiếm để sở hữu lần nữa, có khắc dòng chữ của tộc Elves cổ xưa thuộc xứ Mordor: “Nhẫn Chúa thống trị tất cả, Nhẫn Chúa tìm ra chúng. Nhẫn Chúa điều khiển tất cả và trói buộc chúng với bóng tối”. Chiếc nhẫn quyền lực này đi ngược với đức mến. Nó đòi hỏi một sự tùng phục hoàn toàn. Chúa tể Sauron làm ra chiếc nhẫn nhằm bắt các chủng tộc ở cõi Trung Địa làm nô lệ. Trong khi đó, đức mến lại cho đi một cách tự do và nhưng không. Trong 1Cr 13,4–8, thánh Phaolô nói về đức mến như sau:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được”.
Quyền lực tìm cách nô lệ người khác và ép buộc ý chí của họ phải phục tùng hoàn toàn. Quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến bóng tối, trong khi đức mến dẫn đến ánh sáng và sự sống. Khát vọng quyền lực thế gian và đức ái không thể cùng tồn tại trong một con người. Chúa chúng ta đã phán: không thể làm tôi hai chủ. Cần phải từ bỏ bản thân để đức mến thực sự tồn tại nơi một cá nhân. Quyền lực nắm giữ bản thân, cho phép ánh sáng lương tâm mờ đi khi khát vọng quyền lực lấp đầy khoảng trống thay cho đức mến. Khi thế chỗ đức mến, khát vọng nắm giữ quyền kiểm soát mọi hoàn cảnh khiến cá nhân sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì cần thiết để bảo toàn quyền lực, thậm chí cả những tính mạng vô tội.
Hêrôđê – cũng như tất cả những người ở vị trí như ông trong suốt lịch sử – sâu thẳm bên trong họ luôn mang tâm trạng lo sợ. Vì không có tình yêu, nên ông lo lắng, sợ hãi và hoang tưởng. Khao khát quyền lực không thể để cho người tìm kiếm nó được phút nào bình an, bởi vì con người biết rằng trong thực tế toàn bộ hệ thống thật mong manh. Những người cố nắm giữ quyền lực luôn sống trái ngược với bản tính của họ. Chúng ta sinh ra để tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Chúng ta được dựng nên để sống hạnh phúc (beatitudo) và yêu thương (caritas).
Tự bản chất, tình yêu là phải buông bỏ quyền lực và sự kiểm soát. Đó là sự buông bỏ cái tôi ích kỷ, lòng kiêu hãnh và sự phù phiếm. Tình yêu là một chuyển động ra bên ngoài, xa cách cái tôi, còn tìm kiếm quyền lực lại hướng vào bên trong để cho cái tôi điều khiển cuộc sống. Khi cái tôi vượt tầm kiểm soát, những chiều kích đáng sợ của nó sẽ xâm chiếm, và rồi bạo lực là điều ắt sẽ xảy ra khi ham muốn quyền lực ngày càng lớn. Chúng ta tìm cách ràng buộc người khác với mình hơn là cho đi chính bản thân vì tình yêu dành cho họ.
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa dựa vào quyền lực. Văn hóa đó bảo chúng ta rằng cá nhân đặt ra chân lý. Hệ thống tương đối này đưa đến sự hy sinh của vô số sinh mạng, từ thai nhi cho đến người già. Tưởng chừng chúng ta văn minh hơn Hêrôđê, nhưng trên thực tế sau những cánh cửa đóng kín, chúng ta dễ dàng thực hiện những hành vi man rợ, nhưng việc nắm giữ quyền lực kinh hãi đó vẫn khiến máu người vô tội phải đổ ra.
Chính Đức Mến đã phát xuất từ Bêlem. Phản ứng của Hêrôđê trước vị Vua mới sinh vừa là nỗi sợ hãi vừa là sự bám víu quyền lực. Mặc dù có thể không làm đổ máu người vô tội, nhưng chúng ta vẫn phải chọn lựa giữa đức mến và cái tôi ích kỷ. Trong lòng mỗi người chúng ta luôn có những chiến tuyến như vậy. Lễ Giáng sinh và Lễ Các Thánh Anh Hài nhắc nhở rằng, chúng ta đang chiến đấu chống lại cái tôi sa ngã của mình. Chúng ta hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu đổ tràn trên chúng ta dồi dào đức mến để nhờ ân sủng của Ngài chúng ta có thể buông bỏ những lĩnh vực mà chúng ta đang cố nắm giữ quyền lực trong cuộc sống.